Wednesday, March 27, 2024
Home Tin TứcTin Thế Giới “Hàng nóng” gần hết sạch, Nga còn gì để “đánh đấm”!

“Hàng nóng” gần hết sạch, Nga còn gì để “đánh đấm”!

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

Theo cơ sở dữ liệu nguồn mở Oryx, Nga đã mất 1,183 xe tăng và 1,304 xe chiến đấu bộ binh (infantry fighting vehicles) kể từ khi phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai. Điều đặc biệt hơn nữa là Ukraine đã chiếm được khá nhiều khí tài Nga, trong đó có 389 xe tăng và 415 xe chiến đấu bộ binh. Nhiều chiếc, ở cả hai loại, đã được sử dụng để bắn phá và tiêu diệt quân Nga – chủ cũ của chúng.

Đó là những gì được xác nhận; con số thực tế còn cao hơn nhiều. Ukraine cũng mất khí tài, nhưng không nhiều. Lý do đơn giản: Ukraine không có nhiều khí tài để đưa vào cuộc chiến; nhiều khí tài có sẵn lại không được bảo trì đúng nên không tận dụng được và đa số dùng để phòng thủ chứ không phải tấn công. Ukraine mất khoảng 1,627 xe quân sự, trong đó có 267 xe tăng và 244 xe chiến đấu bộ binh. Theo dữ liệu được Oryx quan sát tận mắt, quân đội Ukraine đã thu được nhiều xe tăng Nga hơn số xe bị mất. Ngoài ra, những tổn thất của Nga là không thể thay thế kịp thời. Nhưng điều đáng nói hơn là các đơn vị “tinh nhuệ” của Nga bị tổn thất nhiều khí tài nhất! Sau cuộc phản công tái chiếm Kharkiv của Ukraine (Kyiv ước tính chiếm lại được 3,500 dặm vuông), Sư đoàn xe tăng cận vệ 4 (4th Guards Tank Division) của Nga bị mất gần 100 xe tăng T-80U (đây là đơn vị duy nhất vận hành loại xe tăng này).

Một xe tăng Nga “bỏ mạng” và trở thành sắt vụn tại Izium sau khi quân Nga rút lui khỏi Kharkiv Oblast ngày 14 Tháng Chín 2022 (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Yahoo News cho biết, kho vũ khí của Nga giờ chỉ còn đa phần các loại xe tăng cũ. T-72B3 có từ năm 2010 và T-72B3 có từ năm 2016 là hai loại xe tăng bị mất nhiều nhất. Để bù đắp tổn thất trên chiến trường, Nga phải huy động cả các xe tăng cũ dự trữ. Loại xe tăng T-62M rất cũ nay lại ra chiến trường khi Nga cạn kiệt xe tăng mới. Việc sử dụng xe tăng cũ đã làm lộ điểm yếu của Kremlin. T-62 không có bộ nạp đạn tự động vào ổ pháo chính như các loại tăng hiện đại hơn của Nga, vì vậy nó cần kíp lái bốn người thay vì ba người của các mẫu T-72, T-80 và T-90.

Trong khi đó, Ukraine là một quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, nên binh lính đã quen với các xe tăng Nga chiếm được, có nghĩa là chỉ cần sơn lại chúng và xoá đi chữ Z là có thể đưa xe tăng quay lại chiến trường để “dùng vũ khí Nga đánh Nga”! Một số phương tiện Nga bị chiếm thường dễ tái sử dụng hơn những phương tiện khác vì ở trong tình trạng gần như hoàn hảo; trong khi những chiếc khác bị hư hỏng nhiều về động cơ hoặc cơ khí bên trong không thể sửa chữa được.

Cuộc diễu hành “Ngày Độc lập” của Ukraine tại Kyiv có sự góp mặt của nhiều xe tăng Nga bị bỏ lại. Một số xe tăng T-80 lọt vào tay Ukraine trong những ngày đầu cuộc chiến chỉ đơn giản là… hết nhiên liệu! Không chỉ động cơ tuabin của chúng cực kỳ ngốn nhiên liệu mà việc lái xe qua lớp bùn nặng trong những ngày đầu chiến tranh cũng làm tốn nhiên liệu hơn nữa. Nhiều kíp lái phải bỏ phương tiện để rút lui cho nhanh trong khi lực lượng tiếp vận quá căng thẳng không ứng cứu kịp. Đã có nhiều trường hợp binh sĩ Ukraine tự nâng cấp khí tài Nga chiếm được; chẳng hạn như thêm kính tầm nhiệt, bổ sung lớp giáp và thậm chí cả internet vệ tinh Starlink cho xe bọc thép cá nhân BTR-82 thu giữ hoặc lắp súng chống tăng MT-12 trên nóc xe bọc thép cá nhân MT-LB, biến nó thành phương tiện diệt tăng tạm thời nhưng hiệu quả.

Những chiếc xe bọc thép bị hư hỏng trở thành nguồn phụ tùng thay thế hữu ích. Binh lính Ukraine lấy những khẩu súng máy còn tốt trên những chiếc xe đó để làm vũ khí bộ binh. Họ cũng gỡ một số thành phần từ những chiếc xe mà Nga bị phá hủy, chẳng hạn pháo BM-21 Grad nhiều bệ phóng hỏa tiễn; và gắn chúng lên các xe bán tải dân sự có tính cơ động cao để phóng hỏa tiễn nhẹ.

Quân Ukraine và chiến lợi phẩm xe tăng Nga (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Tình cảnh thê lương của Nga còn ở chỗ, những phương tiện tinh vi của Nga rất khó thay thế hay sửa chữa, do phương Tây cấm nhập những linh kiện hay thiết bị cần thiết vào Nga. Tăng T-72B3 của Nga sử dụng hệ thống ảnh nhiệt “Catherine” do nhà thầu quốc phòng đa quốc gia Thales của Pháp chế tạo. Nga nhập hệ thống này của Pháp vì không có khả năng tự sản xuất và không có nguồn cung cấp nào khác. Trung Quốc, đồng minh đặc biệt của Nga, cũng hạn chế việc xuất khẩu các bộ vi xử lý (chip) cần thiết cho các hỏa tiễn mới hơn của Nga, do lo ngại bị Mỹ trừng phạt.

Đây là những còn lại của một chiếc trực thăng Ka-52 “Alligator” (ảnh: Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images)

Ukraine cũng chiếm được số lượng lớn hệ thống tác chiến điện tử tinh vi của Nga. Thành công này không chỉ được các đối tác phương Tây (đặc biệt Hoa Kỳ) quan tâm, mà còn giúp Ukraine nghiên cứu để làm tê liệt cuộc chiến điện tử của Nga. Hậu quả là những hệ thống này sẽ bị quay lại chống chủ nhân ban đầu của chúng. Một lần nữa, hầu hết thiết bị hiện đại của Nga không xa lạ gì đối với các sĩ quan Ukraine, vốn từng vận hành thiết bị quân sự của Liên Xô cũ trước đây và Nga sau này.

Trên không, Nga cũng chẳng khá hơn, khi mất một số lượng đáng kể máy bay hiện đại nhất. Theo Oryx, ít nhất 12 máy bay Sukhoi Su-34 đã bị Ukraine phá hủy. Nhiều chiếc bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không di động tầm thấp, vì Nga thiếu hỏa tiễn dẫn đường chính xác nên buộc máy bay phải bay thấp để thả những quả bom không điều khiển, khiến chúng rơi vào tầm bắn của những hỏa tiễn vác vai tầm ngắn của đối phương. Nga cũng mất ít nhất 16 trực thăng tấn công Ka-52 “Alligator”, loại máy bay cánh quạt tinh vi nhất và mới nhất của họ.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More