Cho đến Chủ Nhật, 10 Tháng Chín, theo tin từ Washington Post, một bức tranh hoang tàn, đầy đau khổ và giận dữ bao trùm ở những cộng đồng sinh sống gần tâm chấn. Người dân vùng này diễn tả với báo chí rằng họ phải dùng chính bàn tay của mình, không có bất kỳ dụng cụ cứu trợ chuyên môn, để kéo người thân ra khỏi đống đổ nát. Tại nhiều khu vực, hoàn toàn không có dấu vết của các đội cứu hộ như lời chính phủ đã hứa hẹn. Đau lòng hơn, chưa có tin tức gì từ những ngôi làng ở vị trí cao khác trên ngọn núi High Atlas.
CNN hỏi chuyện một nạn nhân có tên Fatima, 50 tuổi, cho biết nhà của cô đã bị sập đổ hoàn toàn.
“Tôi chưa kịp ôm bọn trẻ chạy ra ngoài thì đã thấy nhà mình sụp đổ ngay trước mắt. Nhà hàng xóm cũng bị sập và có hai người chết dưới đống đổ nát.”
Bốn thành viên trong gia đình Mohammed, 50 tuổi, ở thị trấn Ouirgane gần đó, đã chết trong trận động đất.
“Tôi cùng hai con đã thoát ra ngoài an toàn nhưng bị lạc mất những người còn lại. Nhà tôi không còn nữa,” anh nói. “Mọi người cố gắng kéo các thi thể ra khỏi đống đổ nát. Rất nhiều người được đưa đến bệnh viện. Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho phép màu xảy ra từ những đống gạch nát đó.”
Ali Ouali Abdegahni, 40 tuổi, cùng với gia đình đã sống ở Amizmiz hơn một thập niên. Ngôi nhà của họ đã thành đá vụn. “Không còn gì cả,” ông ấy nói. “Đó chỉ là những gì của Chúa. Dù sao đi nữa thì mọi người trong gia đình tôi đã an toàn.”
NYT hỏi chuyện Yassin Noumghar, sinh sống ở làng Moulay Brahim, nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Yassin nói trận động đất xảy ra khi gia đình anh đang ăn tối. Hai đêm vừa qua, cả nhà anh buộc phải ngủ ngoài trời.
Người dân tự cứu nhau
Như tin đã đưa, các đồng minh khắp thế giới cho biết họ có đội cứu hộ sẵn sàng triển khai, nhưng cần sự cho phép của vua Mohammed VI. Theo hiến pháp, vua là người quyền lực nhất trong các vấn đề quốc gia. Bất kỳ viện trợ quốc tế nào cũng sẽ phải có sự đồng ý của nhà vua. Mặc dù Nhật Bản, Israel, và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hỗ trợ, và Pháp thậm chí còn cam kết chi $2 triệu cho các nỗ lực cứu trợ, nhưng vẫn chưa rõ liệu nhà vua có chấp nhận khoản viện trợ đó hay không.
Một nhóm thẩm định tình hình từ Hoa Kỳ đã đến Morocco vào Chủ Nhật để hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ nước này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken nói với CNN: “Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cơ quan đi đầu trong những nỗ lực cứu trợ này, đã sẵn sàng hoạt động. Và chúng tôi đang chờ đợi thông tin từ chính phủ Morocco để biết chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào, và giúp đỡ ở đâu.”
Nhưng cho đến tận trưa ngày Chủ Nhật, giới chức Morocco chỉ nhận sự giúp đỡ từ một số ít các quốc gia.
Trước tình thế không có sự giúp đỡ của chính phủ, cộng đồng đã đoàn kết lại với nhau. Những người thân ở châu Âu gửi chi phí giúp đỡ. Những ngôi nhà may mắn nguyên vẹn mở cửa cho người bị nạn tá túc. Abdelgahni nói: “Nếu nhà của bạn chỉ bị phá huỷ một nửa và vẫn còn một số đồ đạc, một số thực phẩm, bạn sẽ chia sẻ với những người không may mắn bị mất tất cả.”
Moulay Brahim là một ngôi làng với nhà bằng gạch xi măng, tường màu hồng. Mostafa Ichide, 30 tuổi, một nhà thiết kế đồ họa, cho biết nguồn viện trợ lương thực duy nhất đến được với cộng đồng đều đến từ các nhóm dân sự. Ông nói với Washington Post: “Tất cả đều do người dân Morocco gửi đến cho đồng hương của họ. Chúng tôi đã thấy xe cứu thương, nhưng hầu hết đều mang biển số nước ngoài.”
Dahir Mourad, một cửa hàng bán bơ, sau cơn bàng hoàng đã mở lại cửa tiệm cho người dân địa phương đến ăn. Ông nói, “cửa hàng của tôi vẫn còn, tạ ơn Chúa, có lẽ để giúp đỡ người khác,” theo Washington Post. Ông nhớ lại những chi tiết như cơn ác mộng về trận động đất: “Cảnh tượng kinh hoàng, chân tay mọi người bị gãy, ai cũng bỏ chạy điên cuồng.”
“Từ lúc đó chúng tôi đã không ngủ. Chúng tôi đang kéo mọi người ra khỏi đống đổ nát.”
Gần khu vực xảy ra động đất, không có bệnh viện để điều trị cho nạn nhân. Những người bị thương được đưa đến trung tâm y tế địa phương để phân loại. Bất kỳ phương pháp điều trị nào ngoài nẹp và khâu đều cần phải đưa đến Marrakesh, cách đó khoảng một tiếng rưỡi.
Khoảng 20 bác sĩ, tất cả đều là tình nguyện viên, từ khắp trong và ngoài nước, làm việc liên tục suốt 24 giờ. Bác sĩ Yaqoubi Abdelhadicho ước tính đến nay họ đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân và đang làm việc với giới chức lãnh đạo để tiếp cận những ngôi làng xa xôi.
Thực tế là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất lịch sử lại nằm trong số những thị trấn nghèo nhất ở Morocco. Nhiều ngôi nhà ở đây không có điện hoặc nước sinh hoạt, ngay cả trong những thời điểm khác tốt hơn. Người dân nông thôn Morocco trong những năm gần đây đã phải vật lộn để phục hồi sau cú sốc kinh tế do đại dịch và gần đây hơn là phải đối phó với lạm phát và giá lương thực tăng cao.
Nếu đã từng đến Morocco, cụ thể là Marrakesh, chỉ cần bạn đi ra khỏi trung tâm du lịch khoảng nửa giờ chạy xe, bạn sẽ thấy như mình đang đi vào một thành phố của thời Trung cổ. Khí hâu khô cằn, oi bức. Người dân gầy gò, khắc khổ, lê từng bước chân trên con đường đá, trên đầu là ánh nắng như thiêu đốt. Những ngôi nhà không có điện, nước. Những con la lầm lũi thả từng bước chân ì ạch, trên lưng thồ củi, hoặc hàng hoá. Đường vào nhà của những người dân này là những con dốc gồ ghề, khúc khuỷu.
Sau cơn địa chấn này, ngay cả một ngôi nhà thời Trung Cổ của người dân Morocco cũng là niềm mơ ước.
(SGN)