Home Tin TứcTin Thế Giới Putin bị áp lực, Belarus tiến gần hơn đến việc tham chiến ở Ukraine

Putin bị áp lực, Belarus tiến gần hơn đến việc tham chiến ở Ukraine

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Một loạt các hoạt động quân sự ở Belarus trong tuần này đã thu hút sự chú ý của Ukraine và phương Tây như một dấu hiệu tiềm năng cho thấy Tổng thống Alexander Lukashenko có thể sẽ đưa quân hỗ trợ cho Nga trong cuộc xâm lược ở Ukraine.

Ông Lukashenko đã ra lệnh cho quân đội triển khai với các lực lượng Nga gần biên giới Ukraine, và Bộ Quốc phòng Belarus loan báo các cuộc tập trận “sẵn sàng chiến đấu” đang được tiến hành. Hôm thứ Ba, Bộ Nội vụ đã tổ chức các cuộc tập trận nhằm loại bỏ “các nhóm phá hoại” gần Yelsk, chỉ cách biên giới với Ukraine 20 km.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu Nhóm 7 nước (G7) đặt phái bộ quan sát viên quốc tế gần biên giới này, trong khi Pháp cảnh cáo Belarus có thể bị phương Tây chế tài thêm nếu can dự sâu hơn vào Ukraine.

Dù không tham gia trực tiếp vào cuộc giao tranh nhưng Belarus đã cho phép Nga dùng lãnh thổ của Belarus làm bàn đạp cho cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Theo giới phân tích, ông Lukashenko sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu ông tham chiến, vào thời điểm Moscow đang quay cuồng với hàng loạt thất bại và đối mặt với những lời chỉ trích công khai chưa từng có về thất bại của các tướng lĩnh.

Nhưng giới phân tích không tin rằng sự can thiệp của Belarus sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, các lực lượng vũ trang của nước này chỉ có 48.000 nhân sự và đã không tham chiến trong hơn 30 năm độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Ông Samir Puri, tác giả cuốn “Con đường dẫn tới chiến tranh của Nga với Ukraine,” nói: “Đó không hẳn là một lực lượng vũ trang đã được thử nghiệm chiến đấu”.

Tuy nhiên, ông cho rằng nguy cơ bị Belarus can thiệp có thể buộc Ukraine phải tăng cường an ninh ở phía bắc, rút các lực lượng ra khỏi chiến tuyến với Nga ở phía nam và phía đông.

Việc ông Zelenskyy kêu gọi đưa quan sát viên quốc tế tới biên giới này là một dấu hiệu cho thấy Ukraine nghiêm túc xem xét các nguy cơ nhưng chuyện này có thể không khả thi về mặt ngoại giao, ông Puri nói. Không rõ ai sẽ cung cấp một lực lượng như vậy, vì Moscow sẽ phủ quyết bất kỳ vai trò nào của Liên hiệp quốc và các quan sát viên của NATO hoặc EU có thể bị kéo vào các cuộc đụng độ với lực lượng Nga.

Bộ Quốc phòng Belarus không phản hồi ngay yêu cầu bình luận. Hôm 11/10, họ cho biết việc triển khai với quân đội Nga là một biện pháp phòng thủ “nhằm đáp trả thỏa đáng các hành động gần biên giới của chúng tôi.”

Gần NATO hơn

Belarus có chung biên giới với ba nước thành viên NATO, một yếu tố cũng có thể là một phần trong tính toán của Putin khi ông tìm cách lôi kéo đồng minh của mình vào cuộc chiến.

“Nó đưa ông ấy đến gần biên giới của NATO hơn nhiều. Khi đó, Putin có thể nói: ‘Tôi đang đưa chiến tranh tới quý vị. Qúy vị có thực sự muốn không?’ Điều gì sẽ xảy ra nếu một phi đạn bay chệch hướng?” một quan chức cấp cao của châu Âu nhận định.

Ông Lukashenko chưa nêu rõ quy mô và vai trò của lực lượng chung mà ông công bố hôm 10/10, mặc dù sau đó ông nói ông trông đợi hàng ngàn quân tới lãnh thổ Belarus.

Không phải tất cả các bằng chứng đều cho thấy quân đội Belarus đang chuẩn bị tham gia cuộc chiến. Dự án Hajun của Belarus, chuyên giám sát các hoạt động quân sự, cho biết có bằng chứng về việc di chuyển thiết bị đi chỗ khác, bao gồm việc chuyển giao cho Nga ít nhất hai đoàn tàu với 28 xe tăng của Belarus.

Ông Pavel Slunkin, một cựu quan chức ngoại giao Belarus hiện đang làm việc tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ đổ lực lượng vào nước này để tái xâm lược Ukraine từ phía bắc, như đã từng xảy ra khi bắt đầu cuộc chiến hồi tháng Hai.

Ông nói ông không tin rằng ông Lukashenko đến mức cam kết lực lượng của mình để chiến đấu cùng với Nga, nhưng ông có thể đã sẵn sàng cho tình huống đó. “Có thể ông ấy vẫn chưa quyết định nhưng ông ấy hiểu rằng điều này có thể xảy ra và trong trường hợp này, tốt hơn là quân đội nên chuẩn bị.”

Ông Slunkin cho biết ông Lukashenko, người sống sót sau các cuộc biểu tình hàng loạt với sự giúp đỡ của Nga vào năm 2020 và phụ thuộc vào Putin cả về chính trị và kinh tế, sẽ không trong vị thế từ chối hỗ trợ quân sự nếu Điện Kremlin yêu cầu.

Ông nói: “Việc ông ấy đảm bảo giữ được quyền lực phụ thuộc rất nhiều vào ông Putin.” “Ông Lukashenko không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của Nga và không có sự đàn áp. Sự phụ thuộc của ông ấy quá sâu, ông ấy gần như không có không gian để xoay trở.”

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.