Tháng 11, Công ty Apple đóng cửa nhà máy lắp ráp điện thoại ở thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một thời gian không biết bao lâu, sau khi nhiều công nhân phải bỏ việc trở về quê, vì chính sách ngừa, chống bệnh Covid của chính quyền cộng sản Bắc Kinh.
Đây là một thất bại của Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Cộng, khi họ quá cứng rắn cố giữ tiêu chuẩn “Không Covid,” mà chính người Trung Hoa bình thường cũng phản đối. Sau các cuộc biểu tình tại các thành phố lớn, Tập Cận Bình đã phải bắt đầu buông lơi, cho phép các địa phương nới lỏng những biện pháp ngăn cấm và kiểm soát.
Các lãnh tụ cộng sản thường quyết định độc đoán, bất chấp ý kiến các nhà chuyên môn và không quan tâm đến nguyện vọng của dân; chỉ khi lo tức nước vỡ bờ họ mới sửa đổi từng chút một. Nhưng nhiều hậu quả tai hại của chính sách “Không Covid” còn kéo dài và khó quay ngược trở lại. Theo nhật báo Wall Street Journal, Công ty Apple đã có chương trình chuyển bớt công việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước khác, như Việt Nam và Ấn Độ; bây giờ họ quyết định sẽ thúc đẩy cho chạy nhanh hơn!
Chương trình chuyển chỗ các cơ sở sản xuất iPhone hay các món khác sẽ mất nhiều năm và rất tốn kém, cho nên khi Apple và các công ty khác rút một số hoạt động ra ngoài Trung Quốc thì không thể kéo họ trở lại, dù bệnh dịch Covid chấm dứt. Hiện nay 35% các nhà máy cung cấp iPhone nằm trong lục địa Trung Hoa, lắp ráp một nửa số lượng iPhone trên thế giới. Muốn di chuyển một phần mười số sản xuất đó qua nước khác cũng phải mất 7, 8 năm, theo Emilia David trên mạng thông tin Insider ngày 7 tháng 12, 2022. Người Trung Hoa gọi Trịnh Châu là “Thành phố iPhone” vì là nơi công ty Foxconn, của Đài Loan, thiết lập cơ xưởng sau khi biết sẽ được Apple mua hàng.
Với dân số 6 triệu, Trịnh Châu cung cấp dư số công nhân làm việc tay chân theo nhịp dây chuyền của máy, và chính quyền ở đó đã tìm đủ cách “quyến rũ” khách đầu tư ngoại quốc. Foxconn là công ty sử dụng nhiều công nhân nhất cho nên được hưởng mọi thứ ưu đãi. Nhà máy của Foxconn rộng hơn 6 cây số vuông, sử dụng 350,000 công nhân, lương dưới $2 đô la một giờ. Có 94 dây chuyền mỗi đường đi qua 400 bước, một ngày làm ra nửa triệu cái điện thoại, trung bình mỗi phút 350 cái iPhone.
Ngay từ đầu, thành phố đã đóng góp đất đai, nhân lực và thiết bị trị giá hơn $1.5 tỷ đô la để giúp Foxconn xây dựng xưởng máy, văn phòng và cư xá cho công nhân. Họ lập thêm nhà máy điện, xây dựng đường xá, mở phi trường. Sau đó, họ còn giúp cả việc tuyển mộ nhân viên, trợ cấp các chi phí điện, nước và chuyên chở hàng tới hay đi khỏi cơ xưởng. Thành phố còn tặng thưởng cho Foxconn nếu số iPhone ra đời đạt tới các chỉ tiêu, không khác gì cách đối sử với các xí nghiệp quốc doanh! Foxconn được miễn thuế doanh nghiệp và thuế trị giá gia tăng (VAT, phải nộp khi bán hàng) trong 5 năm đầu; 5 năm sau chỉ đóng một nửa, và được miễn đóng một số lệ phí tới $100 triệu mỹ kim mỗi năm.
Apple cung cấp, bán cho Foxconn, các bộ phận mà họ mua từ hàng trăm nhà cung cấp trên thế giới để lắp ráp thành những chiếc điện thoại. Apple cũng là khách hàng duy nhất mua tất cả các iPhone rồi bán lại cho các chi nhánh của họ khắp thế giới, kể cả trong nước Trung Quốc!
Chính quyền cộng sản đã thay đổi cả cách tổ chức và thủ tục hải quan để chiều lòng Apple, công ty đại tư bản với giá trị cao nhất, trên ngàn tỷ mỹ kim. Hải quan Trung Cộng đặt văn phòng ngay bên cạnh nhà máy, dành riêng một khu vực được coi như không thuộc lãnh thổ Trung Quốc, để làm các thủ tục đặc biệt chỉ để xuất cảng và nhập cảng iPhone.
Những chiếc iPhone ra khỏi cửa nhà máy Foxconn được đưa qua văn phòng hải quan Trung Quốc cách mấy trăm thước. Những điện thoại dành bán cho người trong lục địa sẽ được đóng dấu “xuất cảng” và đóng dấu “nhập cảng” ngay lập tức, rồi chuyển đi. Bắc Kinh thâu ngay 17% thuế VAT vì hàng bán trong nước. Tất nhiên thủ tục “đóng dấu” hoặc “thâu thuế” được thực hiện trong “thế giới ảo,” qua máy vi tính!
Những iPhone “nhập cảng” vào Trung Quốc được xe tải chuyên chở trong 18 tiếng đồng hồ, đi 1000 km mất hai ngày, từ Trịnh Châu tới Thượng Hải, trung tâm phân phối cho các Apple Store trên toàn quốc. Mỗi chiếc xe tải chứa 36,000 cái điện thoại đóng hộp, trị giá tổng cộng $27 triệu đô la, phải hộ tống bằng súng. Các iPhone bán qua Mỹ sau 2 ngày tới San Francisco, cách 11,000 cây số, dùng Boeing 747, mỗi máy bay chứa 150,000 hộp.
Một chiếc iPhone 7 bán giá khoảng $776 đô la ở Thượng Hải trong khi giá bán ở New York là $649 đô la. Sản xuất một chiếc iPhone 7, 32-gigabyte, tốn khoảng $440 đô la. Tiền bán điện thoại chỉ chiếm 12% tổng số thâu nhập của Apple nhưng đóng góp 90% số tiền lời!
Thị trường Trung Quốc góp phần vào một phần tư số thâu của Apple trên thế giới. Cho nên dù Apple có chương trình rút bớt hoạt động ra khỏi Trung Quốc, họ cũng không bao giờ bỏ hẳn. Một yếu tố khác cầm chân họ là Trung Quốc đã thiết lập được nhiều cơ xuỏng có thể sản xuất số lượng rất lớn, trong một thời gian ngắn, với nhiều công nhân thiện nghệ và lương thấp hơn nước khác. Một nhà máy của Apple ở Texas cần hàng trăm ngàn một loại đinh ốc trong một tuần, nhà cung cấp duy nhất tại Austin chỉ có thể làm 28,000 trong thời gian đó; cuối cùng phải đặt mua bên Trung Quốc.
Apple đã lập cơ sở sản xuất lớn ở Arizona mới được khai trương. Nhưng công nhân Mỹ không quen làm việc 24 giờ khi cần, vì có mối hàng lớn. Ở bên Trung Quốc thì khác, nếu cần thợ thuyền sẽ thay phiên nhau làm, ngủ luôn trong nhà máy. Trong một xã hội đã quen sống dưới chế độ độc tài toàn trị, việc huy động 100,000 người làm việc suốt đêm là việc bình thường. Dân Mỹ không chấp nhận như thế!
Khi Foxconn đóng cửa nhà máy ráp iPhone ở Trịnh Châu, Apple sẽ thiệt hại rất nhiều vì thiếu hàng bán trong dịp lễ Giáng Sinh. Sẽ giảm mất 16 triệu “iPhone 14 Pro” và “Pro Max.” Nhưng đây là cơ hội cho Apple chuyển hướng, rút bớt chân ra khỏi Trung Quốc.
Mối lo lớn nhất của Apple, cũng như các công ty khác, là chế độ chính trị bắt đầu bất ổn. Số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm tăng lên vì nền kinh tế đang giảm tốc độ tăng trưởng. Cuộc chuyển dịch các cơ xưởng, từ Trung Quốc qua Ấn Độ, Việt Nam, vùng Đông Nam Á hay Mexico sẽ kéo dài hàng chục năm. Nối kết cả hệ thống cung cấp hàng ngàn bộ phận ghép thành chiếc iPhone là công việc rất phức tạp. Đổi địa chỉ một nhà máy lắp ráp điện thoại di động tức là thay đổi cả hệ thống dây chuyền tiếp liệu nối liền nhiều quốc gia, rải rác khắp thế giới. Nhưng tư bản quốc tế cần rút khỏi Trung Quốc, hiện tượng này đang bắt đầu và “bất khả phản hồi.”
(VOA)