Ai mới về hưu cũng sung sướng vì được tự do tung tăng muốn làm gì thì làm, nhưng cuộc sống nhàn hạ lại khiến nhiều người cảm thấy vô vị.
Những người đang phải tối mặt tối mày với công việc, luôn mong chờ đến ngày được nghỉ hưu, để có thể đi bất cứ nơi đâu mình thích, làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng thực tế, trước khi về hưu sẽ là khoảng thời gian khủng hoảng của nhiều người. Các chuyên gia tâm lý cho rằng thời gian nhạy cảm nhất trước khi về hưu là quãng tuổi từ 40 đến 50, khi bạn không còn nhiệt huyết cho công việc nhưng lại còn một chặng dài để về đích.
Để về đích an toàn, bạn cần học cách duy trì động lực và chọn trước cho mình hướng đi phù hợp và đúng nhất. Về hưu không phải là chấm hết, mà là cuộc sống của bạn bước sang một trang mới. Cuộc sống mới có là thách thức, hay cơ hội, là tùy bạn sắp đặt. Một số người thường phải mất hai năm hoặc hơn để ổn định cuộc sống hưu, vì không biết phải làm gì cho bớt nhàn rỗi, nhưng không ít người trở nên bận rộn khi không còn ràng buộc gì tại công sở.
Cuộc sống về hưu sẽ ra sao, không có công thức gì cho ra kết qua vui hay buồn. Đó là một hành trình không thể đoán trước. Ngay cả khi bạn không biết chính xác mình đang hướng tới mục tiêu nào, vẫn có những điều bạn làm để tạo động lực cho bản thân tiến về phía trước.
Dưới đây là năm bước mà bạn có thể tham khảo trên Forbes, nhằm thoát khỏi cuộc sống bế tắc khi về hưu:
1.Dành thời gian tự suy ngẫm
Hãy suy ngẫm và trả lời những câu hỏi giúp bản thân bạn hiểu rõ động lực và sở thích của mình. Một khi biết rõ ràng về điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống, bạn sẽ dễ dàng quyết định sử dụng thời gian như thế nào hơn.
Bạn muốn tìm hiểu lĩnh vực gì? Về hưu, bạn có rất nhiều thời gian và cơ hội tìm hiểu về các chủ đề mới mà bạn đã bỏ lỡ vì bận bịu làm việc hàng chục năm qua. Khi xác định được lĩnh vực mình quan tâm, bạn sẽ tìm thấy vô số sách, hội thảo trên website, bài giảng, podcast và lớp học để say sưa tìm tòi những kiến thức mới mỗi ngày.
Khi nào bạn cảm thấy bản thân hữu ích và có giá trị nhất? Hãy nghĩ về những lần bạn cảm thấy được đánh giá cao trong công việc và trong cuộc sống cá nhân: Bạn đem lại giá trị cho ai? Giá trị đó cụ thể như thế nào? Thời gian dành cho câu hỏi này có thể dẫn bạn đến những cơ hội làm công việc thiện nguyện hoặc bán thời gian thú vị.
Bạn đã chờ đợi để làm gì khi về hưu? Nhiều người có một danh sách những điều họ hy vọng sẽ làm khi về hưu, như du lịch, chơi golf, dành thời gian bên con cháu hay chuyển chỗ ở đến một địa điểm mà họ từng mơ ước được sống. Ngoài ra, hãy nghĩ về các việc ưu tiên hàng ngày, chăm sóc sức khỏe.
Bạn có muốn tiếp tục làm việc? Ngày nay xã hội đem đến không ít lựa chọn nghề nghiệp cho hưu trí. Nhưng hãy cẩn trọng lựa chọn công việc để không gánh thêm buồn bực, rắc rối, mà nên là những việc đem lại niềm vui cho bạn.
2.Ghi danh đi học
Tham gia các lớp học trực tiếp hoặc trực tuyến để kích thích trí tuệ hoạt động, xây dựng kỹ năng, mở rộng mối quan hệ với những hưu trí cùng sở thích…
3.Làm thiện nguyện
Công việc thiện nguyện đem đến nhiều giá trị cho cuộc sống của bạn và xã hội. Do đó đừng ngại ghi danh những chương trình thiện nguyện bạn có khả năng đóng góp.
4.Giao lưu với bạn bè
Để cải thiện tâm trạng và động lực sống vui khỏe khi về hưu, hãy tìm một người bạn hay đồng nghiệp cũ chung hứng thú trải nghiệm những điều mới mẻ khi về hưu. Nếu không, bạn cũng có thể kết bạn mới tại những câu lạc bộ, lớp học kỹ năng, hay các tổ chức tôn giáo.
5.Sống chậm
Mặc dù thời gian rảnh rỗi dư thừa và việc mất đi khoản lương cao ổn định hàng tháng có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng khi về hưu, nhưng hãy cố gắng đừng thúc ép bản thân phải làm thật nhiều việc, tham gia thật nhiều hoạt động xã hội. Mọi giai đoạn chuyển đổi đều cần có một điểm kết thúc, một vùng chuyển giao và một khởi đầu mới. Vùng chuyển giao chính là khoảng trống màu mỡ để bạn có thể sắp xếp lại cuộc sống, tạo nền tảng cho một hành trình ý nghĩa tiếp theo.
(SGN)