Vài ngày qua, dư luận xã hội trong và ngoài nước xôn xao bàn tán về ba đoạn video clip ghi lại cảnh một cô giáo bị chính học trò của mình hành hung đến ngất xỉu – một minh chứng cho sự sụp đổ vô phương cứu vãn của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở trong nước.
Làm thế nào để dựng lại ngôi nhà giáo dục cho các thế hệ mai sau?
Chuyện xảy ra ở trường trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cô giáo dạy nhạc tên Hằng, 38 tuổi, bị học sinh lớp 7C khóa cửa lớp học, dồn vào góc tường, mắng chửi bằng những lời lẽ tục tĩu, và ném dép vào đầu khiến cô ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự, có lẽ không vì lực ném chiếc dép mà vì uất ức và nhục nhã. Chuyện từ ngày 29 Tháng Mười Một vừa qua nhưng sau gần một tuần chính quyền và sở giáo dục mới biết sau khi học sinh đăng các video clip lên mạng xã hội ngày 4 Tháng Mười Hai. Mãi đến ngày 7 Tháng Mười Hai, Ủy Ban Nhân Dân huyện Sơn Dương mới ra quyết định đình chỉ chức vụ của ông hiệu trưởng Nguyễn Duy Sáng trong 15 ngày để điều tra.
Chuyện bạo lực trong trường học ở Việt Nam không lạ, không mới. Tìm kiếm trên Google Search với cụm từ “bạo lực học đường ở Việt Nam” sẽ có được hơn 24 triệu kết quả chỉ trong nháy mắt. Nhưng xưa nay nói về bạo lực trong trường học, người ta thường hình dung tới những vụ học sinh đánh nhau với học sinh, thầy cô giáo bạo hành học trò, phụ huynh vào trường hành hung thầy cô giáo… Ít ai nghĩ tới chuyện học trò hỗn láo hoặc mất dạy tới mức ném dép vào đầu thầy cô. Nhưng thực tế những vụ hành hung thầy cô giáo như vụ ở trường Văn Phú không phải là hiếm. Báo Lao Động cho biết, trong niên khóa 2022-2023 đã có 23 vụ học sinh đánh thầy cô giáo trong tổng số 11,442 vụ bạo lực học đường được phát hiện và ghi nhận. Báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam điểm sơ vài vụ đọc qua đủ choáng: “Tháng Năm, 2023, giáo viên trường Trung Học Phổ Thông Lê Duẩn, tỉnh Đắk Nông bị phụ huynh học sinh đến nhà đánh đập vì xếp hạnh kiểm học sinh loại trung bình… Tháng Mười, 2022, mạng xã hội xôn xao clip nữ sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Khánh Hòa “cãi tay đôi” và dùng nhiều lời lẽ thô tục, xưng “mày-tao” với thầy giáo… Cũng trong Tháng Mười, 2022, tại Hà Tĩnh, một phụ huynh xông vào trường Tiểu Học Sơn Lâm đe dọa hành hung cán bộ, giáo viên và bắt hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi… Tháng Hai, 2018, với sức ép của phụ huynh, một giáo viên phải quỳ gối bày tỏ sự ‘hối lỗi’ dưới sự chứng kiến của các giáo viên khác…”
Những con số lạnh lùng, những cảnh tượng không thể nào chấp nhận đó chứng minh một cách thuyết phục “cái học ngày nay đã hỏng rồi” như lời cụ Tú Xương, thậm chí hỏng tới mức cụ Tú nếu còn sống cũng không hình dung nổi. Khi thầy cô giáo và học trò phải dùng nắm đấm hoặc chiếc dép để nói chuyện với nhau thì mọi lời lẽ tốt đẹp về giáo dục, về mái trường không còn nữa. Nó báo hiệu một tương lai thật đáng sợ. Nhà bác học Lê Quý Đôn nêu ra năm nguyên nhân mất nước, hai nguyên nhân đầu mà ông nhấn mạnh: Trẻ không kính già (vì già không đáng kính) và trò không trọng thầy (vì thầy không ra thầy) đang hiển hiện rõ ràng trong nền giáo dục Việt Nam.
Thực trạng suy đồi của ngành giáo dục và nhà trường quả thật trái ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, cũng trái với những luận điệu tôn vinh mà bộ máy tuyên giáo của đảng CSVN vẫn thường rêu rao. Đó là thầy cô giáo được gọi là những “kỹ sư tâm hồn,” mỗi năm đều có ngày 20 Tháng Mười Một là Ngày Nhà Giáo Việt Nam để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã dạy dỗ họ.
Vậy thì nguyên nhân nằm ở đâu?
Khi xảy ra một vụ bạo lực đau lòng gây chấn động dư luận, nếu không ém nhẹm được thì các giới chức cao cấp của Bộ Giáo Dục, các nhà giáo và chuyên gia đủ loại lại họp bàn và đưa ra những cách giải thích, đề nghị những giải pháp… trớt quớt! Sau vụ ở trường Văn Phú nêu trên, ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, trả lời trước Quốc Hội vào chiều 7 Tháng Mười Một rằng “nguyên nhân từ bạo lực gia đình, phim ảnh” và ông đòi cả xã hội phải chịu trách nhiệm. Các chuyên gia của ông Sơn thì đổ thừa hoặc cho rằng nhà trường thiếu tư vấn tâm lý cho giáo viên và học sinh hoặc do thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình,… Không ai dám nhìn thẳng vào sự thật rằng sự mục ruỗng của giáo dục là hậu quả trực tiếp của một thể chế chính trị độc tài thối nát, một xã hội tôn sùng sự dối trá, mọi giá trị nhân văn bị đảo lộn kể từ khi chủ nghĩa cộng sản được du nhập và được độc quyền trên đất nước Việt Nam.
Đảng CSVN và nhà nước Việt Nam cho đến nay vẫn quyết tâm đưa đất nước “đi lên chủ nghĩa xã hội,” mà “sẽ không có chủ nghĩa xã hội nếu không có con người mới xã hội chủ nghĩa.” Nhưng con người xã hội chủ nghĩa là con người thế nào? Chủ nghĩa cộng sản phát triển trên nền tảng học thuyết về đấu tranh giai cấp, lấy bạo lực làm phương tiện chủ yếu nên trong đường lối của các đảng cộng sản, con người xã hội chủ nghĩa phải là người thấm nhuần lập trường giai cấp công nông, phân biệt ta-địch, nuôi dưỡng lòng căm thù và ý chí đấu tranh. Trong các vụ biến động long trời lở đất như cải cách ruộng đất ở miền Bắc, cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, đã có không ít những đứa con “con người mới xã hội chủ nghĩa” thẳng tay đấu tố và trừng phạt các đấng sinh thành đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng!
Sách vở còn ghi, chúng tôi không nói quá.
Triết gia Karl Marx, “ông tổ” Cộng Sản, khi trả lời con gái: “Hạnh phúc là gì” đã nói thẳng “Hạnh phúc là đấu tranh” và câu trả lời của ông được nhồi nhét vào đầu học sinh qua đề thi các cấp, trở thành một thứ phương châm xử thế mà các thế hệ thanh niên học sinh Việt Nam phải noi theo. Chủ nghĩa Marx cũng là “triết lý” nền tảng của hệ thống giáo dục Việt Nam ở miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975, được thực thi trong mọi cấp trường từ tiểu học đến đại học, trong tất cả các môn học, ngành học.
Một đường lối giáo dục phi nhân bản như vậy tất yếu sẽ sinh ra những thế hệ người hung dữ, xảo trá, thiếu hẳn sự tử tế và lòng nhân ái. Công cuộc phát triển nền kinh tế tư bản độc tài mấy chục năm gần đây càng tạo ra môi trường thuận lợi để các thói hư tật xấu, các bản năng thấp hèn của con người được phát triển cao độ, trong đó chụp giật để làm giàu bất chấp pháp luật và đạo lý đã trở thành một lối sống được coi là “thức thời,” là “khôn ngoan.” Trong một xã hội mà giá trị bị đảo ngược đen thành trắng như vậy, giáo dục không bị sụp đổ, nhà trường không suy đồi mới là chuyện lạ!
Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Tiến Cường, một người Việt ở Đức, có nêu nhận xét: “Hầu hết việc bạo hành thầy, cô giáo chỉ xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra,” và giải thích: “Miền Bắc sở dĩ bị ảnh hưởng nặng nề hơn miền Nam, phần vì bị Cộng Sản cai trị lâu hơn, phần vì người dân miền Nam được thụ hưởng 21 năm một chính sách giáo dục nhân bản, một nền giáo dục đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho đến ngày hôm nay.” Không kỳ thị vùng miền mà đây quả là một nhận xét xác đáng về gốc rễ của tình trạng suy đồi của nền giáo dục hiện nay.
Trong hồi ký “Hành trình thế kỷ,” xuất bản năm 1994, Tổng Thống Nelson Mandela của Nam Phi – người tù thế kỷ lừng danh – có tuyên ngôn nổi tiếng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới,” nhưng ông cũng đồng thời nhấn mạnh: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.”
Giáo dục Việt Nam không chỉ đang sụp đổ mà còn đang phá hủy cả quốc gia, chỉ vì một thể chế chính trị phản động. Để xây lại ngôi nhà giáo dục nhất thiết phải thay đổi cái thể chế đó, thiết lập chế độ dân chủ tự do. Mọi biện pháp chắp vá như đề nghị của các chuyên gia giáo dục nêu trên chỉ là xức dầu cù là cho bệnh nhân ung thư, chẳng những không giải quyết được gì mà còn làm cho tình hình trầm trọng hơn nữa. [đ.d.]
(Nguoi-viet)