Hồi tháng 6, tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani và các phụ tá của ông bất ngờ rơi vào tranh cãi khi thảo luận về mục tiêu đầu tư tiếp theo.
Tập đoàn Reliance Industries của Ambani đang có ý định thâu tóm 1 công ty viễn thông lớn của nước ngoài. Tuy nhiên họ nghe được thông tin một tỷ phú khác là Gautam Adani – người vừa soán ngôi giàu nhất châu Á của Ambani cách đó vài tháng – cũng đang có kế hoạch tham gia đấu thầu kinh doanh sóng 5G ở Ấn Độ.
Trong khi Reliance Jo Infocomm hiện là công ty dẫn đầu thị trường di động, Adani Group thậm chí còn chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không dây. Tuy nhiên, việc đối thủ dự định tấn công vào mảng kinh doanh cốt lõi nhất của Reliance cũng khiến tỷ phú Ambani đứng ngồi không yên.
Theo nguồn tin thân cận mà Bloomberg tiếp cận được, một số cấp dưới khuyên ông nên tiếp tục theo đuổi mục tiêu ở nước ngoài và đa dạng hóa ra bên ngoài thị trường Ấn Độ, trong khi một số người khác lại muốn bảo tồn nguồn lực để “chiến đấu” với mối đe dọa mới nổi lên trong nước.
Hiện nắm trong tay 87 tỷ USD nhưng từ trước đến nay tỷ phú Ambani chưa từng chi tiền mua lại bất cứ công ty nước ngoài nào. Một phần là bởi ông cho rằng ý tưởng khôn ngoan hơn là duy trì nguồn lực tài chính đủ mạnh để có thể cạnh tranh với tỷ phú Adani. Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Adani đã chạm mốc 115 tỷ USD, tăng mạnh hơn so với bất kỳ tỷ phú nào khác trên thế giới.
Tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: Simon Dawson/Bloomberg
Sau hơn 2 thập kỷ chung sống hòa bình, hoạt động trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, giờ đây nguy cơ 2 tỷ phú giàu nhất châu Á phải “chạm trán” đang ngày càng lớn dần. Đặc biệt là sau khi Adani tấn công mạnh mẽ sang những lĩnh vực mới mẻ hơn.
Cuộc chiến giữa 2 tỷ phú sẽ tạo ra những tác động sâu rộng không chỉ tại Ấn Độ. Trong bối cảnh nền kinh tế quy mô 3.200 tỷ USD đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cuộc đua tìm kiếm cơ hội bên ngoài thị trường hàng hóa (là nơi mà Ambani và Adani kiếm được những khoản tiền lớn đầu tiên) ngày càng khốc liệt.
Những cơ hội nổi lên từ các ngành mới như thương mại điện tử hay dữ liệu gợi nhớ lại thế kỷ 19, khi kinh tế bùng nổ tạo cơ hội làm giàu cho những gia tộc tỷ phú như Carnegies, Vanderbilts và Rockefellers.
Tương tự như vậy, hai gia tộc Ambani và Anadi cũng đang háo hức tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và điều đó khiến họ không thể tránh khỏi việc đối đầu nhau, Arun Kejriwal, nhà sáng lập công ty tư vấn KRIS ở Mumbai nhận xét. “Hai bên sẽ hợp tác, cùng tồn tại nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt. Cuối cùng người mạnh hơn sẽ chiến thắng”.
Hôm 9/7, tập đoàn Adani cho biết hiện không có ý định bước chân vào thị trường di động tiêu dùng mà sẽ sử dụng mạng 5G triển khai “các giải pháp kết nối mạng riêng tư” và củng cố an ninh mạng tại các sân bay và cảng biển mà tập đoàn sở hữu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn rầm rộ đồn thổi cuối cùng thì tập đoàn Adani vẫn sẽ cung cấp các dịch vụ viễn thông không dây cho người tiêu dùng. Từ khi ra đời, tập đoàn Adani vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như cảng biển, khai mỏ và vận tải biển, những lĩnh vực mà tỷ phú Ambani không tham gia vào. Nhưng vài năm gần đây đã có rất nhiều thay đổi diễn ra.
Tháng 3, Adani Group được cho là đang xem xét khả năng hợp tác với Saudi Arabia, cụ thể là mua lại công ty con trong tập đoàn xuất khẩu dầu mỏ Aramco. Trước đó vài tháng, Reliance đã hủy bỏ kế hoạch bán 20% cổ phần mảng năng lượng cho Aramco dù thương vụ được xem xét trong suốt 2 năm trời. Hiện phần lớn doanh thu của Reliance vẫn đến từ dầu thô.
Hai tỷ phú đều đầu tư vào năng lượng sạch – một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ. Mỗi người đã cam kết đầu tư hơn 70 tỷ USD vào mảng này. Đồng thời tỷ phú Adani đang bắt đầu quan tâm mạnh đến các mảng dịch vụ kỹ thuật số, thể thao, bán lẻ, hóa dầu và truyền thông. Đây là những mảng mà tập đoàn Reliance chưa thể thống trị và cũng không có kế hoạch lớn nào.
Riêng trong mảng viễn thông, nếu như tập đoàn Adani thực sự bắt đầu nhắm đến người tiêu dùng, chắc chắn giá cước sẽ giảm mạnh trong giai đoạn cạnh tranh ban đầu nhưng ngay lập tức tăng trở lại nếu 2 tập đoàn cùng nhau tạo ra thế độc quyền trên thị trường.
Tỷ phú Gautam Adani. Ảnh: Samir Jana/Hindustan Times/Getty Images
Hiện có 3 công ty tư nhân lớn đang thống trị thị trường viễn thông không dây ở Ấn Độ. Khi Ambani bắt đầu bước chân vào mảng viễn thông năm 2016, ông đã khiến thị trường dậy sóng bằng các cuộc gọi miễn phí và bán dữ liệu với giá siêu rẻ. Sau đó mặt bằng giá đã giảm mạnh, nhưng sau khi Ambani củng cố vững chắc thị phần thì giá đã tăng trở lại.
Nhìn bên ngoài, 2 người đàn ông giàu nhất Ấn Độ có rất nhiều điểm khác biệt. Ambani (65 tuổi) thừa kế tập đoàn Reliance từ cha mình, trong khi Adani (60 tuổi) là 1 tỷ phú tự thân. Tuy nhiên giữa họ cũng có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều rất kín tiếng trước truyền thông, là những người thích ganh đua và đều đã thay đổi hoàn toàn những lĩnh vực mà họ bước vào kinh doanh.
Cả hai có kỹ năng triển khai dự án xuất sắc, đặc biệt chú ý đến tiểu tiết và thích những dự án lớn. Và đây đều là những doanh nhân xuất thân từ Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Modi.
Trong khi Ambani rất thận trọng khi đầu tư ra nước ngoài, tháng trước tập đoàn Adani vừa chi 1,2 tỷ USD mua cảng Haifa ở Israel. Trước đó 2 tháng, Adani vừa thực hiện thương vụ chi 10,5 tỷ USD cho 1 công ty sản xuất xi măng.
Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đánh giá chính xác những thương vụ này có thành công hay không, nhưng tất cả mọi người đều đồng tình rằng hai tỷ phú sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại môi trường kinh doanh ở Ấn Độ, và tầm ảnh hưởng của họ lên nền kinh tế sẽ ngày càng lớn.
Tham khảo Bloomberg