Saturday, April 27, 2024
Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Ông Tập thu được gì từ cuộc gặp với ông Biden?

Ông Tập thu được gì từ cuộc gặp với ông Biden?

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp các giám đốc điều hành trong bữa ăn tối ngày 15/11 tại San Francisco, ông đã được chào đón bằng ba lần đứng lên vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Đó là một trong nhiều chiến thắng trong quan hệ công chúng của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến đi đầu tiên sau 6 năm tới Hoa Kỳ, nơi ông và Tổng thống Joe Biden đã đạt được các thỏa thuận về fentanyl, liên lạc quân sự và trí tuệ nhân tạo bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.

Hai người được thuyết trình về chuyến đi cho biết thỏa thuận về ba vấn đề vừa kể đều là kết quả mà Hoa Kỳ đã tìm kiếm từ Trung Quốc chứ không phải ngược lại.

Nhưng ông Tập dường như đã đạt được mục đích riêng của mình: giành được những nhượng bộ trong chính sách của Mỹ để đổi lấy những lời hứa hợp tác, giảm bớt căng thẳng song phương sẽ cho phép tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế và cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng xa lánh Trung Quốc.

“Chúng tôi mời bạn bè từ cộng đồng doanh nghiệp trên khắp thế giới đầu tư và tăng cường dấu ấn của bạn ở Trung Quốc”, ông nói tại hội nghị thượng đỉnh CEO APEC, hứa hẹn hành động đối với danh sách các vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó chịu, từ trộm cắp tài sản trí tuệ đến bảo mật dữ liệu.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đầu tháng này Bắc Kinh đã báo cáo thâm hụt quý đầu tiên trong đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đảng Cộng sản cầm quyền đã đấu tranh với những âm mưu chính trị làm dấy lên nghi vấn về việc ra quyết định của ông Tập, bao gồm cả việc cách chức bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng một cách đột ngột và không giải thích.

Ông Alexander Neill, một thành viên tại tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, nói: “Nếu Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết được sự khác biệt của họ… điều đó có nghĩa là ông Tập Cận Bình không cần phải chuyển toàn bộ sự chú ý của mình sang mối quan hệ song phương”.

“Ông ấy cần tập trung vào chương trình nghị sự trong nước, điều này vô cùng cấp bách.”

Bỏ chế tài để hợp tác

Đảm bảo lời hứa của ông Tập về sự hợp tác của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dòng fentanyl vào Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu trong danh sách việc cần làm của ông Biden trong hội nghị thượng đỉnh. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thỏa thuận mà theo đó Trung Quốc sẽ theo dõi các công ty cụ thể sản xuất tiền chất fentanyl được thực hiện trên cơ sở “tin cậy nhưng kiểm chứng”.

Đổi lại, chính phủ Hoa Kỳ ngày 16/11 đã loại một viện pháp y của công an Trung Quốc khỏi danh sách chế tài thương mại của Bộ Thương mại Mỹ, nơi viện này được đưa vào danh sách năm 2020 vì bị cáo buộc lạm dụng đối với người Uyghur.

Các nhà phê bình cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với viện báo hiệu cho Bắc Kinh rằng danh sách thực thể của Hoa Kỳ có thể thương lượng được và đặt câu hỏi về cam kết của chính quyền Biden trong việc gây áp lực lên Trung Quốc về điều mà họ nói là chính phủ Trung Quốc diệt chủng người Uyghur.

Phát ngôn viên ủy ban của Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo về Trung Quốc nói: “Điều này làm suy yếu mức khả tín của danh sách thực thể và thẩm quyền đạo đức của chúng ta”.

Ngoài ra, các đối thủ của ông Biden bên Đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang bỏ lỡ cơ hội khi không tận dụng động lực kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc để đạt được nhiều thắng lợi ngoại giao hơn.

Ông Biden cũng ca ngợi thỏa thuận nối lại các cuộc đối thoại quân sự đã bị Trung Quốc cắt đứt sau chuyến đi năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.

Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh hoan nghênh việc giảm căng thẳng, điều này khó có thể thay đổi hành vi quân sự của Trung Quốc mà Mỹ coi là nguy hiểm, chẳng hạn như chặn tàu và máy bay Mỹ trong vùng biển quốc tế, dẫn đến một số vụ suýt va chạm.

Ông Craig Singleton, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ ở Washington, nói: “Trung Quốc lo ngại các đường dây nóng có thể được sử dụng làm cái cớ tiềm tàng cho sự hiện diện của Mỹ tại các khu vực mà họ tuyên bố là của mình”.

Các quan chức chính quyền Biden thừa nhận rằng việc tạo ra các mối quan hệ quân sự thiết thực sẽ không dễ dàng như các cuộc gặp bán định kỳ giữa các quan chức quốc phòng.

“Đây là một công việc lâu dài, khó khăn, chậm chạp và người Trung Quốc phải nhìn thấy giá trị của hàng triệu đô la trước khi họ làm điều đó. Điều đó sẽ không có lợi cho chúng ta”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với Reuters vào tháng 10 năm ngoái khi chuẩn bị cho cuộc họp Tập-Biden.

Đối tác và bạn bè?

Trong bài phát biểu công khai với ông Biden, ông Tập nói rằng Trung Quốc tìm cách chung sống hòa bình với Hoa Kỳ và ông nói với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng Trung Quốc sẵn sàng trở thành “đối tác và bạn bè” của Hoa Kỳ, những lời này một phần nhắm vào cộng đồng doanh nghiệp đang báo động trước cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp khác nhau và việc sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh và giam giữ đối với một số giám đốc điều hành.

Tương tự như vậy, cuộc dạo bộ trong vườn của ông Tập với ông Biden và sự đón tiếp long trọng dành cho ông Tập của chủ nhà Mỹ, đã được nêu bật trên các phương tiện truyền thông được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc để cho khán giả trong nước thấy rằng chủ tịch nước của họ đang quản lý mối quan hệ kinh tế và chính trị quan trọng nhất của đất nước.

Ông Drew Thompson, cựu quan chức Ngũ Giác Đài, hiện là học giả tại Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Ông Tập Cận Bình có thể đã tính toán rằng việc cường điệu hóa mối đe dọa từ Mỹ sẽ gây hại hơn là làm tốt cho Trung Quốc, cho vị thế của ông ấy trong đảng cũng như cho đảng”.

“Việc chúng ta đang tranh luận liệu Trung Quốc có đầu tư được không là một vấn đề thực sự đối với Trung Quốc.”

Đồng thời, ông Tập nhắc lại những điểm mà ông đã đưa ra hồi đầu năm nay với Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi Tổng thống Mỹ nhìn nhận mối quan hệ Mỹ-Trung thông qua “những chuyển biến toàn cầu nhanh chóng chưa từng thấy trong một thế kỷ”.

Các nhà phân tích cho rằng đó là mã số cho niềm tin rằng Trung Quốc – và Nga – đang định hình lại hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Tuy nhiên, lần này chủ nghĩa thực dụng có thể đã lấn át ý thức hệ.

Ông Li Mingjiang, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, cho biết Trung Quốc nhận thấy rằng để phát triển kinh tế, nước này vẫn cần có mối quan hệ bình thường phần nào với Mỹ và các nước phương Tây.

“Đó là động lực cơ bản đằng sau cuộc họp này.”

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More