Home Tin TứcTin Thế Giới Những điều thú vị về Nhà thờ Đức Bà ở Paris

Những điều thú vị về Nhà thờ Đức Bà ở Paris

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Nhà thờ Đức Bà ở Pháp, dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào Chủ Nhật 8/12 sau năm năm trùng tu sau vụ hỏa hoạn tàn khốc, là hòn ngọc của kiến trúc Gothic, biểu tượng của Paris và là thánh địa du lịch.

Nhưng đằng sau sự hùng vĩ của nhà thờ, vốn mất 182 năm để xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14, ẩn chứa một số câu chuyện đáng ngạc nhiên. Từ những huyền thoại thời trung cổ đến những bí ẩn thời hiện đại.

Trái tim của nước Pháp, theo nghĩa đen

Tầm quan trọng của Nhà thờ Đức Bà không chỉ giới hạn ở kiến trúc và lịch sử. Nhà thờ này thực sự là điểm khởi đầu của mọi con đường ở Pháp.

Phía trước nhà thờ, được bao bọc trong những tảng đá, là một tấm bia bằng đồng và đá với dòng chữ “point zéro des routes de France”, có nghĩa là “điểm bắt đầu của những con đường ở Pháp”. Tấm bảng này đánh dấu điểm bắt đầu để đo khoảng cách giữa Paris và các thành phố khác trên khắp cả nước.

Mặc dù tấm bảng được lắp đặt vào năm 1924, nhưng ý tưởng về “điểm zero” của quốc gia đã có từ năm 1769. Vua Louis XV đã hình dung ra một điểm tham chiếu trung tâm cho mạng lưới đường bộ đang phát triển của Pháp, một khái niệm gắn kết địa lý của quốc gia với trái tim của nó ở Paris.

Huyền thoại về tượng đầu thú vĩ đại

Những sinh vật bằng đá đáng sợ trên Nhà thờ Đức Bà có vẻ cổ xưa, nhưng không phải tất cả chúng đều như vẻ bề ngoài của chúng. Những tượng đầu thú thực sự, là những máng xối hình quái vật được sử dụng để thoát nước mưa, đã có từ thời nhà thờ được xây dựng. Nhưng những hình tượng giống quái vật thường xuất hiện trên bưu thiếp và phim ảnh là những con thú đầu sư tử, mình dê, đuôi rắn. Những hình tượng này mới hơn nhiều.

Vào thế kỷ 19, kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc, người phụ trách cải tạo nhà thờ bị xuống cấp lúc bấy giờ, đã thêm những sinh vật này để tăng thêm sự huyền bí cho nhà thờ. Viollet-le-Duc lấy cảm hứng từ cuốn sách nổi tiếng “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà’’ của Victor Hugo để tạo ra những hình tượng động vật quỷ dữ này với biểu cảm nhân cách hóa.

Một sự cải tạo mang tính cách mạng

Trong cuộc Cách mạng Pháp, chứng kiến làn sóng phản đối Giáo hội, Nhà thờ Đức Bà không thực sự được coi là một nhà thờ được tôn kính. Vào năm 1793, những người cách mạng đã tước bỏ các biểu tượng tôn giáo của nhà thờ và đổi tên thành “Notre-Dame de la Raison” (Đức Mẹ của Lý trí).

Thay vào đó, nhà thờ tổ chức các lễ hội tôn vinh khoa học và các ý tưởng Khai sáng, và trong một thời gian ngắn, nhà thờ thậm chí còn được sử dụng làm kho chứa rượu.

Các buổi lễ tôn giáo được tiếp tục vào năm 1795, và Nhà thờ Đức Bà đã lấy lại được vị thế thiêng liêng của mình theo sự thúc đẩy của hoàng đế Pháp Napoleon I, người đã tổ chức lễ đăng quang của mình tại đây vào năm 1804, được bất tử hóa trong một bức tranh nổi tiếng của Jacques-Louis David.

Những tượng vua bị chặt đầu được phục hồi sau nhiều thế kỷ

Vào năm 1792, những người cách mạng cũng đã chặt đầu 28 bức tượng từ mặt tiền của Nhà thờ Đức Bà, nhầm chúng với các vị vua Pháp. Trên thực tế, chúng là những vị vua cổ đại của Judah, tổ tiên trong Kinh thánh của Chúa Jesus. Người ta cho rằng những chiếc đầu này đã bị mất mãi mãi, có thể đã bị phá hủy hoặc bị bán làm vật liệu xây dựng.

Nhưng vào năm 1977, những công nhân tu sửa một khoảnh sân ở quận 9 của Paris đã phát hiện ra hàng trăm mảnh vỡ của các tác phẩm điêu khắc bằng đá. Các chuyên gia xác nhận rằng chúng là những chiếc đầu bị mất của các vị vua Nhà thờ Đức Bà. Làm thế nào chúng được chôn ở đó vẫn còn là một bí ẩn.

Ngày nay, 22 chiếc đầu đã được phục chế và được trưng bày tại Bảo tàng Cluny ở Paris. Phát hiện này được coi là một trong những phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất trong lịch sử hiện đại của thành phố.

Một lời cảnh tỉnh hùng hồn về bụi chì

Vụ cháy năm 2019 gần như đã phá hủy Nhà thờ Đức Bà cho thấy một rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe. Khi ngọn lửa làm tan chảy mái nhà, hàng tấn bụi chì độc hại đã được giải phóng vào không khí và lắng đọng khắp Paris.

Vấn đề là gì? Nhà chức trách phát hiện ra rằng không có quy tắc nào để đo lường mức độ nguy hiểm của bụi chì ngoài trời. Đây không chỉ là vấn đề của Paris — các thành phố lớn như London và Rome, thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới, đều không có hướng dẫn về ô nhiễm chì ngoài trời.

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà đã làm nổi bật một vấn đề tiềm ẩn, buộc các quan chức phải xem xét kỹ hơn các tiêu chuẩn an toàn. Phải mất bốn tháng để thành phố hoàn thành công tác vệ sinh dọn dẹp các vỉa hè trong lúc du khách, cư dân và thương nhân đi bộ trên các con phố xung quanh nhà thờ hàng ngày.

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.