Thắng lợi của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc Hội Ý hôm Chủ Nhật, 25 Tháng Chín, làm rung chuyển cả Châu Âu như một trận động đất lớn: Tại cái nôi của chủ nghĩa phát xít, lần đầu tiên sau nhà độc tài Benito Mussolini, quyền lực đã rơi vào tay những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cực hữu rất gần với chủ nghĩa phát xít.
Theo kết quả kiểm phiếu, đảng Fratelli d’Italia (Anh Em Ý) của bà Giorgia Meloni, 45 tuổi, đã giành được nhiều phiếu nhất, 26% số phiếu bầu và bà Meloni sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Ý trong một tháng nữa. Đảng Fratelli d’Italia có gốc từ Phong Trào Xã Hội Ý, một đảng tân phát xít nhỏ do Giorgio Almirante, cựu tham mưu trưởng của lãnh tụ Benito Mussolini (1883-1945), lập ra từ tro tàn của Đệ Nhị Thế Chiến. Khi có tin đảng Fratelli d’Italia chiến thắng, các con gái của ông Almirante đã khóc và nói ước nguyện của cha họ đang được hoàn thành.
Hai đảng cực hữu khác là đảng League do Matteo Salvini lãnh đạo được 9% phiếu bầu và đảng Forza Italia do ông Silvio Berlusconi, nhà tài phiệt truyền thông và cựu thủ tướng Ý, lãnh đạo được 8%. Cộng lại, ba đảng cánh hữu giành được 44% số phiếu, đủ để lập một liên minh cầm quyền, đẩy đảng Dân Chủ và các đảng cánh tả Ý, chỉ chiếm được 26% số phiếu, vào thế đối lập.
***
Nền tảng tư tưởng chung của các đảng cánh hữu là chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, chống di dân, đề cao truyền thống gia đình, có khi còn được gọi là chủ nghĩa bảo thủ để phân biệt với những tư tưởng cấp tiến của cánh tả. Nhưng với các đảng cánh hữu Ý, tư tưởng bảo thủ đã bị đẩy tới chỗ cực đoan, trở thành một phiên bản của chủ nghĩa phát xít [cực hữu] – một thứ học thuyết đối lập với chủ nghĩa Cộng Sản [cực tả], xuất phát từ nước Ý và lên đến đỉnh điểm ở Đức với đảng Quốc Xã và nhà lãnh đạo Adolf Hitler.
Chủ nghĩa phát xít coi người Châu Âu dòng giống Aryan là ưu việt, các dân tộc khác là hạ đẳng, từ đó dẫn tới sự tàn sát người Do Thái và các sắc tộc thiểu số khác. Các đảng cực hữu Ý ngày nay kịch liệt chống di dân, quảng bá học thuyết về “sự thay thế vĩ đại” của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Họ cho rằng, di dân từ các vùng kém phát triển Trung Đông và Bắc Phi sẽ tràn ngập các nước Châu Âu, thay thế người da trắng và nền văn hóa văn minh rực rỡ của Châu Âu bằng người da màu có trình độ văn hóa thấp kém hơn.
Ngay từ khi gia nhập chính trường năm 2017, bà Meloni đã nhiều lần tuyên bố bản sắc của dân tộc Ý đang bị xóa nhòa một cách cố ý bởi vì những kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu và các nhà lãnh đạo Liên Minh Châu Âu (EU) mở cửa cho làn sóng di dân không kiểm soát được. Đi xa hơn, bà Meloni nói rằng nếu cầm quyền, bà sẽ sửa luật để chấm dứt việc cấp quốc tịch cho những trẻ em sinh ra ở Ý có cha mẹ là người nước ngoài, chấm dứt việc người nước ngoài được hưởng các lợi ích căn bản về giáo dục và y tế.
Quan điểm chống người nhập cư đi liền với chống Hồi Giáo, đề cao các giá trị gia đình truyền thống theo quan điểm Thiên Chúa Giáo. Bà Meloni quan niệm gia đình gồm cha, mẹ và các con; trong đó không có chỗ cho những người đồng tính, chuyển giới LGBT và tất nhiên không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới.
Về mặt đối ngoại, chủ nghĩa dân tộc đẩy vấn đề chủ quyền quốc gia lên mức tối cao, coi nhẹ sự hợp tác quốc tế. Nếu như chính phủ cũ theo khuynh hướng trung tả của ông Mario Draghi, cựu thủ tướng, gắn bó mật thiết với EU trong các chiến lược của khối, từ chống đại dịch COVID-19, đón nhận di dân và ủng hộ Ukraine chống xâm lược Nga thì cánh hữu của bà Meloni nhìn EU bằng con mắt nghi ngờ. Bà nhiều lần dọa sẽ rút Ý ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone), quay lại với đồng lira cũ.
Trong vấn đề Ukraine, quan điểm của bà Meloni khác các nhà lãnh đạo khác trong liên minh. Cho đến nay, bà Meloni vẫn tuyên bố ủng hộ Ukraine, chống cuộc chiến tranh của Nga. Trái lại hai ông Salvini của đảng League và ông Berlusconi của đảng Forza Italia là bạn bè thân thiết của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga; họ không những ủng hộ ông Putin mà còn đổ lỗi cho Tây phương gây sức ép buộc ông Putin phải phản ứng bằng “chiến dịch quân sự đặc biệt.” Họ phản đối trừng phạt Nga vì cho rằng kinh tế Ý sẽ bị thiệt hại. Chưa rõ khi đã nắm được quyền lực, bà Giorgia Meloni, tân thủ tướng, sẽ hóa giải thế nào sự khác biệt quan điểm về chiến tranh Nga-Ukraine trong nội bộ liên minh của bà.
Nên để ý, nếu Meloni là “tay mơ” mới gia nhập chính trường thì Berlusconi là chính trị gia lão luyện, từng làm thủ tướng Ý bốn nhiệm kỳ, từng vào tù vì tội trốn thuế và làm chủ một đế chế truyền thông hùng mạnh. Ngoài việc kết thân với nhà độc tài Putin, ông Berlusconi cũng là người đã khuyến khích vốn đầu tư và công ty Trung Quốc, biến Ý thành một đầu cầu để Trung Quốc thâm nhập khối EU và Ý là nước G-7 duy nhất tham gia đại dự án Con Đường Tơ Lụa của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.
***
Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở Ý có phần do những vấn đề của nước này: ít sinh đẻ khiến cho tỷ lệ người da trắng trong tổng dân số giảm dần; kinh tế chậm phát triển, thất nghiệp cao, đời sống khó khăn, nhất là sau khi chiến tranh Nga-Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực lên. Các yếu tố đó làm cho cử tri bất mãn với chính phủ trung tả Draghi và được các chính trị gia cánh hữu tận dụng để thúc đẩy nghị trình bài ngoại của họ.
Sự trỗi dậy của cánh hữu Ý không ngẫu nhiên mà nằm trong một trào lưu chung có tính chất thời đại. Hồi đầu Tháng Chín, đảng Dân Chủ Thụy Điển theo đường lối cực hữu đã trở thành đảng chính trị lớn thứ hai của nước này và hiện đang chủ trì các cuộc thương lượng để thành lập liên minh cánh hữu cầm quyền – việc mà bà Meloni của Ý sẽ làm trong vài ngày tới.
Trong EU đã có các nhà lãnh đạo cánh hữu như ông Viktor Orban, thủ tướng Hungary, và ông Mateusz Morawiecki, thủ tướng Ba Lan. Hai nhà lãnh đạo này thường phản đối các chính sách của Brussels, Bỉ, và đòi nhiều quyền tự quyết hơn.
Nếu bà Meloni của nước Ý đứng cùng chiến tuyến với ông Morawiecki và ông Orban thì EU khó tránh khỏi một sự rạn nứt trong nội bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến nền tảng tư tưởng, chiến lược và hành động của khối này trong những vấn đề toàn cầu như cuộc chiến Nga-Ukraine, quan hệ với Trung Quốc, làn sóng di dân và chống biến đổi khí hậu.
“Động lực chính trị đang đổi chiều. Trước và trong đại dịch, chúng ta có một làn sóng trung dung nhưng bây giờ bàn cờ chính trị đang nghiêng về hướng những người cánh hữu,” ông Charles A. Kupchan, chuyên gia về Châu Âu trong Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại nói với báo The New York Times. Và theo ông sự trỗi dậy của cánh hữu đang được “bình thường hóa,” không còn là một nguy cơ đáng báo động.
Thắng lợi của cánh hữu Châu Âu cũng sẽ tiếp sức cho các đảng cực hữu những nơi khác, đặc biệt là đảng Cộng Hòa Mỹ. Từ Mỹ, các dân cử Cộng Hòa như Dân Biểu Lauren Boebert (Colorado), Dân Biểu Marjorie Taylor Greene (Georgia), Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Texas)… đã nhanh chóng lên mạng chúc mừng thắng lợi của bà Meloni bên Ý và khẳng định cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8 Tháng Mười Một là lúc tiêu diệt cánh tả. “Cả thế giới bắt đầu hiểu rằng cánh Tả không làm được gì mà chỉ phá hoại,” bà Boebert viết trên Twitter.
“Hungary có một nhà lãnh đạo phát xít. Đảng cực hữu Thụy Điển vừa thắng lợi. Và bây giờ Ý bầu lên một nhà lãnh đạo phát xít. Tám mươi năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy khắp Châu Âu. Nếu người Mỹ không cẩn thận, đảng Cộng Hòa MAGA cũng sẽ thiết lập chủ nghĩa phát xít ở đây. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra,” ông Qasim Rashid, một luật sư nhân quyền, than thở, theo báo Salon. [qd]
(Nguoi-viet)