Hôm thứ Tư 28/8, một thẩm phán Pháp ra quyết định chính thức cho phép điều tra Pavel Durov, chủ của Telegram, về các vụ tội phạm có tổ chức diễn ra trên ứng dụng nhắn tin này, nhưng cũng cho nam doanh nhân được tại ngoại với điều kiện ông phải nộp tiền bảo lãnh 5 triệu euro, trình diện với cảnh sát 2 lần một tuần và không được rời khỏi lãnh thổ Pháp.
Laure Beccuau, nữ công tố viên của Paris, nói trong một tuyên bố rằng thẩm phán thấy có căn cứ để chính thức điều tra ông Durov về tất cả các cáo buộc đã dẫn đến việc ông bị bắt cách đây 4 ngày.
Đó là ông bị tình nghi đã đồng lõa khi điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép diễn ra các giao dịch bất hợp pháp, cho chia sẻ hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và gian lận, cũng như từ chối cung cấp thông tin cho chính quyền, rửa tiền và cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.
Việc bị điều tra chính thức tại Pháp không có nghĩa là có tội hoặc nhất thiết phải dẫn đến một phiên xét xử, nhưng nó cho thấy các thẩm phán cho rằng có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc bị đình chỉ.
Quyết định của thẩm phán được đưa ra sau khi ông Durov, người sinh ra ở Nga, bị bắt tại một sân bay gần Paris vào tối hôm 24/8.
Vụ bắt tạm giam ông Durov đã làm dấy lên những tranh luận về giới hạn của quyền tự do ngôn luận và khi nào việc thực thi luật được bắt đầu. Nó cũng làm nổi bật lên mối quan hệ không mấy dễ chịu giữa các chính phủ và Telegram, ứng dụng có gần 1 tỷ người dùng, đồng thời đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với các ông lớn trong ngành công nghệ không chịu tuân thủ yêu cầu của các nhà chức trách phải có hành động về những vụ bị xem là vi phạm pháp luật trên nền tảng của họ.
Công tố viên Beccuau nói rằng có những kẻ đã sử dụng Telegram trong nhiều vụ án hình sự khác nhau và “việc Telegram gần như không đáp ứng các yêu cầu của tòa án” cuối cùng đã thu hút sự chú ý của đơn vị chống tội phạm mạng thuộc văn phòng công tố Paris.
“Các cơ quan điều tra khác của Pháp và các văn phòng công tố cũng như nhiều đối tác khác trong Eurojust, đặc biệt là các đối tác Bỉ, đều có chung nhận xét” về việc Telegram không tuân thủ, bà Beccuau nói.
Điều đó đã làm cho văn phòng về tội phạm có tổ chức của công tố viên đặc trách Paris mở cuộc điều tra “về khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự của những người quản lý dịch vụ nhắn tin này khi để cho các hành vi phạm tội này xảy ra”, bà nêu ra trong tuyên bố của mình.
Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 2, với các hoạt động điều tra do Văn phòng quốc gia về trẻ vị thành niên tiến hành, và bản cáo trạng sơ khởi được đưa ra vào tháng 7, bà Beccuau cho biết.
Telegram hầu như không bình luận gì về vụ bắt giữ ông Durov.
Trong một tuyên bố hôm 26/8, công ty này nói rằng họ tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu và việc điều hành công ty “nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện”.
“Giám đốc điều hành của Telegram, Pavel Durov, chẳng có gì phải che giấu và thường xuyên đi lại ở châu Âu”, công ty nói. “Thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó phải chịu trách nhiệm về việc có những kẻ lạm dụng nền tảng đó”.
Vụ bắt giữ ông Durov, người có cả quốc tịch Pháp lẫn Nga, đã gây ra tác động ngoại giao to lớn, làm tổn hại mối quan hệ giữa Paris và Moscow.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói hôm 27/8 rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã rơi xuống mức thấp nhất.
(VOA)