Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell hôm thứ Năm 17/11 cho biết hòa bình ở Ukraine sẽ không thể thực hiện được cho đến khi Nga rút quân, nhưng Matxcơva không có dấu hiệu sẵn sàng cho điều đó.
Ông Borrell nói với Reuters tại thành phố Samarkand của Uzbekistan: “Tôi e rằng Nga chưa sẵn sàng rút quân và chừng nào họ còn không rút quân thì hòa bình sẽ không thể đạt được”.
Vị quan chức châu Âu phát biểu thêm: “Chính Nga là người phải khiến cho kế hoạch hòa bình khả thi, kẻ xâm lược phải rút lui nếu muốn một nền hòa bình bền vững”.
Cũng trong ngày 17/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmytro Peskov tuyên bố rằng Liên bang Nga đang pháo kích vào cơ sở hạ tầng của Ukraina để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Sau đó, phía Ukraina đã so sánh Điện Kremlin với IS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Oleg Nikolenko viết trên Facebook: “Đây là cách những kẻ khủng bố IS hành xử: chúng giết những người vô tội để đáp ứng yêu cầu của chúng.
Quan chức của Ukraina cáo buộc: “Chính quyền Nga hành động như một nhà nước khủng bố. Tuyên bố của ông Peskov sẽ mở rộng tầm mắt cho một số quốc gia vẫn tin rằng Nga muốn đàm phán”.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Pravda, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tin rằng chính ông là người có thể thuyết phục người bạn cũ Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông dự định sẽ làm như vậy trước lễ Giáng sinh.
Trang Spectator đưa tin, Ông trùm truyền thông 86 tuổi đang tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, trong đó ông sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải và máy bay riêng của ông đã sẵn sàng
Ông Vittorio Sgarbi, một người thân tín của Berlusconi và hiện là thứ trưởng văn hóa trong chính phủ mới của Georgia Maloney, nói rằng Berlusconi coi mình là người hòa giải duy nhất có thể.
Ông Sgarbi nói với tờ báo Spectator: “Berlusconi thích những cử chỉ đẹp.”
“Và đây là cử chỉ mà ông ấy có trong đầu. Ông ấy tin rằng mình có thể thực hiện được và nếu làm được điều đó mà không làm suy yếu vị thế của NATO, ông ấy sẽ đi vào sử sách như một anh hùng thế giới”
Berlusconi trước đây đã đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Nga, đặc biệt là tại hội nghị thượng đỉnh Rome năm 2002, dẫn đến việc thành lập một hội đồng thường trực NATO-Nga.
(DKN)