Một người lính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc đã làm một bộ phim để tố cáo sự bất công đang diễn ra trong quân đội nước này. Bộ phim được thực hiện dựa trên những trải nghiệm thực tế của binh sĩ đào tẩu.
Bộ phim này được công chiếu vào ngày 21 tháng 1 và hiện đã công khai trên nền tảng YouTube.
Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung dẫn tin quốc tế cho biết, binh sĩ Triều Tiên đào tẩu này có tên phiên âm là Jeong Haneul. Người này đã vượt qua khu vực phi quân sự và trốn sang Hàn Quốc từ năm 2012.
Mới đây binh sĩ này đã đích thân làm đạo diễn một bộ phim ngắn dài 23 phút mang tên “Hai người lính”. Bộ phim này chủ yếu giải thích sự bất công trong quân đội Triều Tiên.
Thông qua bộ phim người xem có thể thấy được những người lính Triều Tiên phải chịu sự phân biệt đối xử như thế nào vì “xuất thân ” của họ.
Ở Triều Tiên, những hậu duệ của nhóm người từng chiến đấu cùng cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành sẽ được thừa hưởng những “địa vị bẩm sinh”. Họ dễ dàng leo lên những vị trí cao và được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi hơn so với những người khác.
Những hậu duệ này còn được sống trong những ngôi nhà thuộc hạng tốt nhất ở thủ đô Bình Nhưỡng và con cái họ cũng sẽ nhận được nền giáo dục tốt nhất.
Ngược lại, con cháu của người Hàn Quốc hoặc những người từng là tay sai với chính phủ Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa được xem là có xuất thân thấp hèn. Những người này thậm chí không được phép tới Bình Nhưỡng nếu không có lời mời của chính phủ. Và họ chỉ có thể làm những công việc tầm thường nhất và có ít cơ hội được học lên cao hơn.
Chính phủ Triều Tiên thậm chí đã giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường quân sự để ngăn cản nhiều cơ hội thăng tiến của họ.
Binh sĩ đào tẩu này nói rằng, sự phân biệt đối xử này không phải lỗi của người dân, mà do chính quyền Triều Tiên đã tự tạo ra sự bất bình đẳng xã hội và phân biệt giai cấp.
Tính đến năm 2024, tổng số người đã trốn khỏi Triều Tiên sang Hàn Quốc kể từ khi đình chiến có hơn 34.000 người. Và chỉ có khoảng 400 người vượt qua biên giới và vào Hàn Quốc. Phần lớn những trường hợp còn lại thường đi qua các nước Trung gian như Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á.
(DKN)