Home Tin TứcTin Thế Giới Xì căng đan “hôn môi” của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Xì căng đan “hôn môi” của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Loạt hãng tin (Reuters, NPR, CNN…) ngày 10 Tháng Tư 2023 đã tường thuật vụ Đức Đạt Lai Lạt Ma, 87 tuổi, phải lên tiếng xin lỗi sau khi một video xuất hiện cho thấy vị lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng này hôn môi một đứa trẻ và sau đó còn yêu cầu em “mút lưỡi thầy” (“suck my tongue”)…

Trong một tuyên bố vào hôm nay, 10 Tháng Tư, văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông “muốn xin lỗi cậu bé và gia đình cậu, cũng như nhiều bạn bè của cậu trên khắp thế giới, vì những tổn thương mà lời nói đã gây ra,” và nói thêm rằng ông “lấy làm tiếc” về sự việc.

“Đức Pháp Vương thường trêu chọc những người mà Ngài gặp theo một cách hồn nhiên và vui vẻ, ngay cả ở nơi công cộng và trước ống kính,” thông cáo viết. Lời xin lỗi của Đạt Lai Lạt Ma được đưa ra sau khi đoạn video được tung lên mạng, ghi lại sự việc xảy ra tại thành phố Dharamshala vào Tháng Hai 2023. Trong video, người ta thấy cậu bé tiến lại gần Đạt Lai Lạt Ma trước khi hỏi: “Con có thể ôm thầy không?”. Đạt Lai Lạt Ma mời cậu bé lên sân khấu, chỉ vào má mình và nói: “Hôn chỗ này trước”. Sau đó, ông chỉ vào môi mình và nói: “Rồi hôn đây nữa”; và ông kéo cằm và hôn lên miệng cậu. Cuối cùng, Đạt Lai Lạt Ma nói “Mút lưỡi thầy đi” và ông thè lưỡi ra.

Việc việc xảy ra tại một sự kiện ở khu phức hợp chùa Tsuglagkhang được tổ chức  bởi M3M Foundation, tổ chức từ thiện của công ty bất động sản Ấn Độ M3M Group, có trụ sở tại Dharamshala, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong suốt đời. Haq: Center for Child Rights – nhóm quyền trẻ em nổi tiếng có trụ sở tại Delhi – nói với CNN rằng họ lên án “mọi hình thức lạm dụng trẻ em”. Haq nói thêm: “Một số tin tức đề cập đến văn hóa Tây Tạng về việc thè lưỡi, nhưng video này chắc chắn không liên quan chút gì đến biểu hiện văn hóa và dù có liên quan văn hóa đi nữa thì những biểu hiện như vậy là không thể chấp nhận được.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật Phật giáo sống nổi tiếng nhất thế giới. Nhà lãnh đạo tinh thần chính của trường phái “Mũ vàng” (“Yellow Hat” school) của Phật giáo Tây Tạng được hàng triệu người tôn kính như là hóa thân của 13 vị Lạt Ma trước ngài. Đạt Lai Lạt Ma đặt trụ sở tại Ấn Độ từ năm 1959, sau cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng chống lại lực lượng chiếm đóng của Trung Quốc. Sau đó, ông thành lập chính phủ lưu vong ở thành phố Dharamshala, miền Bắc Ấn Độ.

Đây không phải là lần đầu tiên Đạt Lai Lạt Ma gây tranh cãi. Ông từng phải xin lỗi sau một cuộc phỏng vấn năm 2019 với BBC, trong đó ông nói nếu người kế vị mình là một nữ Đạt Lai Lạt Ma thì bà ấy “nên hấp dẫn hơn” (“should be more attractive”). Trước đó, ông nói rằng đất châu Âu chỉ nên dành cho người châu Âu, khi đề cập đến tình trạng gia tăng người tị nạn châu Phi vào lục địa này. “Toàn bộ châu Âu (sẽ) cuối cùng trở thành quốc gia Hồi giáo? Không thể nào. Hay đất nước châu Phi? Cũng không thể,” ông nói, và thêm rằng tốt hơn hết nên “giữ châu Âu cho người châu Âu” (“keep Europe for Europeans”).

Cần nói thêm, với văn hóa Tây Tạng, lè lưỡi được coi là một cách chào truyền thống, bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại vào thế kỷ thứ 9 về một vị vua không được lòng dân có chiếc lưỡi màu đen. Khi nhà vua qua đời, người Tây Tạng bắt đầu để lộ lưỡi của họ để chứng tỏ rằng họ không phải là hiện thân của ông. Tuy nhiên, mút lưỡi dường như không phải là một phần của truyền thống văn hóa này. Bất luận thế nào, sự việc chắc chắn là một xì căng đan mà những thế lực chính trị vốn thù ghét Đạt Lai Lạt Ma, đặc biệt Trung Quốc, sẽ tận dụng để làm hạ uy tín ông.

____________

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.