Từ chuyện “sư tăng đại chiến”…
Trong thời gian gần đây ở Việt Nam xôn xao vụ chùa Ba Vàng dưới sự trụ trì của Đại đức Thích Trúc Thái Minh thực hiện hành động cúng dường phản cảm với những hình ảnh như nhận tiền, hoa trực tiếp từ các tín đồ, được ghi nhận và lan truyền khắp trên mạng xã hội.
Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình VTC rằng: “Đức Phật đã quy định rất rõ không tiếp nhận tiền tài, hoa khi khất thực, chủ yếu gieo duyên cúng thức ăn. Những điều làm khác với hai quy định nêu trên là chưa phù hợp văn hóa được Đức Phật quy định cho người xuất gia”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu quan điểm về chuyện cúng dường ở chùa Ba Vàng: “Cũng không thể trách được Phật tử vì họ không biết các quy định của Đức Phật như thế nào. Còn với những người có nghiên cứu về giới luật Phật giáo sẽ thấy rằng, việc cúng dường như vậy là không phù hợp”.
Ngay lập tức tuy Đại đức Thích Trúc Thái Minh từ chối phỏng vấn của báo chí, nhưng trên Fanpage chính thức của chùa Ba Vàng có nêu ý kiến phản bác lại Thượng tọa Thích Nhật Từ và nêu rõ: “Chùa Ba Vàng khẳng định việc chư Tăng chùa Ba Vàng khất thực tùy thí đắc thọ, nhận tiền cúng dường của Phật tử để nuôi thân mạng, hoằng dương Phật pháp và góp phần cùng chính quyền thực hiện chính sách an sinh xã hội là đúng pháp Phật, đúng pháp luật, phù hợp với sinh hoạt Phật giáo trong và ngoài nước hiện nay.”
Lập tức dư luận của người dân cho rằng đây là cuộc “đại chiến của sư tăng” và dùng hình tượng hài hước “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh”, học theo tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung với hai nhân vật “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong” để so sánh. Sau đó thì người dân nhận thấy Fanpage của chùa Ba Vàng và trang cá nhân chính thức của Đại đức Thích Trúc Thái Minh liên tiếp có những bài viết, phỏng vấn để chứng minh việc cúng dường ở chùa Ba Vàng là không sai.
Còn về Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ thì lâu nay ông này vẫn được biết đến với những phát ngôn, kêu gọi đầy tính “thị phi”. Đó là việc công khai dè bỉu Công giáo, livestream trên Facebook kêu gọi huy động 200 tỷ để xây chùa cùng nhiều vụ việc khác gây bức xúc trong dư luận và gần đây nhất là chuyện kiện tụng với Thiền am bên bờ vũ trụ. Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng là người hoạt động hăng hái để “xiển dương đạo Phật” bằng cách xuất hiện ở rất nhiều hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như bên cạnh nhiều quan chức của nhà nước Việt Nam trong các sự kiện tôn giáo, văn hóa, xã hội….
Lần này Thượng tọa Thích Nhật Từ chưa đáp lời, nhưng đã có người lên tiếng. Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có phát ngôn chính thức, khẳng định việc làm này là “chưa chuẩn,” không phù hợp với triết lý và truyền thống Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Gia Quang cũng nói thêm: Chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý.
Vậy tại sao lại có một ngôi chùa như chùa Ba Vàng do “chính quyền địa phương trực tiếp quản lý” và “góp phần cùng chính quyền thực hiện chính sách an sinh xã hội”? Đây là một hiện tượng hết sức khác thường.
Một trong những câu hỏi lớn nhất là nguồn tiền từ đâu mà các tập đoàn chùa chiền này có thể gom góp với cả triệu triệu đôla như vậy? Thực chất nguồn tiền này đến từ “quỹ đầu tư” nào? Từ những ông bà trong giới chính quyền chóp bu nhằm rửa tiền? |
Đến chuyện các ngôi chùa trở thành tập đoàn kinh doanh Phật giáo
Ở Việt Nam trong gần hai mươi năm trở lại đây có hiện tượng có những ngôi chùa mới xây dựng hoành tráng, đình đám thu hút nhiều tín đồ đến cầu cúng. Thường những ngôi chùa mới xây là dựa trên một nền chùa cổ, cũ có sẵn, sau đó xây mới lại toàn bộ như chùa Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng và nằm trong một khu vực gọi là “khu du lịch tâm linh” với những nguồn thu không chỉ từ tiền cúng dường mà còn từ việc kinh doanh các dịch vụ du lịch, ăn uống, vui chơi, giải trí…
Trong khi chùa mới tấp nập khách đến hành hương thì ngôi chùa cũ có lịch sử lâu đời dường như bị lãng quên. Chẳng hạn bây giờ các đoàn khách tấp nập đến chùa Bái Đính xây hoành tráng với nhiều kỷ lục, mà ít ai biết đến ngôi chùa Bái Đính cổ có lịch sử ngàn năm tuổi nằm cách chùa mới chỉ 800m. Điều gì đã khiến người ta lãng quên những ngôi chùa cổ mà tấp nập đổ xô đến những ngôi chùa mới?
Có lẽ do chùa mới không chỉ là chùa, mà chính là những tập đoàn kinh doanh Phật giáo, kinh doanh tâm linh và cách thức thực hiện rất bài bản, nhanh chóng, với những chiến dịch truyền thông quảng bá cực kỳ chuyên nghiệp. Nhiều ngôi chùa mới xây đồ sộ là do các đại gia tư nhân bỏ tiền ra xây. Chùa Bái Đính ở Ninh Bình gắn với tên tuổi của đại gia Nguyễn Văn Trường (tức Xuân Trường) và sau này ông tiếp tục đầu tư 11,000 tỷ đồng (khoảng $470 triệu) xây mới chùa Tam Chúc, đạt kỷ lục chùa lớn nhất thế giới.
Nằm trong khu du lịch, công trình này kỳ vọng đón được 3.7 triệu lượt khách vào năm 2025, khoảng 6 triệu lượt khách vào năm 2030 với mức tổng doanh thu dự kiến các năm 2025 và 2030 lần lượt là 1,100 tỷ đồng (gần $47 triệu) và 1,700 tỷ đồng (khoảng $72,6 triệu). Khi được tạp chí Người đưa tin hỏi “Người ta nói ông kinh doanh dịch vụ tâm linh?”, ông Trường trả lời: “Tôi bỏ tiền xây chùa rồi giao lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Tôi có thu tiền đâu mà bảo tôi kinh doanh tâm linh?”
Chùa Ba Vàng còn gọi là Bảo Quang Tự nằm trên núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vốn là một ngôi chùa cổ. Từ năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thuộc Hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử về trụ trì chùa và xây dựng lại với nguồn vốn được ước tính khoảng gần 500 tỷ đồng (khoảng $21.3 triệu).
Tháng Ba 2019, sau khi báo chí lên tiếng về việc chùa Ba Vàng “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thì Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có kết luận chùa Ba Vàng tổ chức lễ “giải oan gia trái chủ,” chữa bệnh nhờ thỉnh vong, “trả nợ cho vong” bằng tiền hoặc lao động không công là trái với nghi lễ Phật giáo truyền thống.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng vi phạm Hiến chương Giáo hội, “làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn.” Đại đức Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Trung ương và địa phương, nhưng vẫn trụ trì chùa Ba Vàng. Trước đó thì thầy Thích Trúc Thái Minh là Phó Ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Chuyện gì bất thường ở đây?
Theo trả lời phỏng vấn của Hòa thượng Thích Gia Quang trên báo Vietnamplus như đã nói ở trên thì chùa Ba Vàng không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý.
Nếu vậy sao trước đây thầy Thích Trúc Thái Minh lại có nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo các cấp và bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra “kỷ luật”? Trong đại lễ Phật đản năm 2022 tại chùa Ba Vàng, trong những khách mời có ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, trong những lẵng hoa tặng chúc mừng có lẵng hoa của Ban Tôn giáo chính phủ.
Những thông tin và việc làm này gây hoang mang, bởi một ngôi chùa không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà lại được chính quyền công nhận và vẫn có thể hoạt động rầm rộ! Phải chăng trước đây thì chùa Ba Vàng vốn thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng sau vụ lùm xùm cúng vong năm 2019, thầy Thích Trúc Thái Minh đã “tách ra riêng” để dễ dàng trong nhiều hoạt động, với sự “bảo kê” của chính quyền?
Ngoài ra chùa Ba Vàng có một nhân vật thường xuyên xuất hiện, ủng hộ, cổ vũ cho chùa, đó là Nguyễn Thanh Sơn – Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Trên Fanpage của chùa Ba Vàng có rất nhiều hình ảnh, clip ông Nguyễn Thanh Sơn đến thăm chùa trong những năm qua và chính ông Sơn trong vụ ồn ào “cúng vong” của chùa Ba Vàng năm 2019 đã đứng ra trả lời phỏng vấn bênh vực cho chùa. Nhiều ý kiến của người dân tin rằng đằng sau sự “sừng sững không ngã” của chùa Ba Vàng, sau nhiều ồn ào dư luận mà thầy Thích Trúc Thái Minh vẫn vững ngôi trụ trì là có bàn tay nâng đỡ của ông Nguyễn Thanh Sơn.
Bản thân ông Nguyễn Thanh Sơn từ một chuyên viên quèn bên Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Văn hóa Thông tin ngày xưa, đột nhiên chuyển sang ngạch ngoại giao và thăng tiến nhanh là nhờ vào việc giúp gia đình ông Nguyễn Mạnh Cầm (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời đó) việc kinh doanh buôn bán; sau đó ông Sơn lại nhờ vào mối quan hệ đã từng là thông gia với tướng công an Nguyễn Đức Nhanh, nên được mệnh danh là người có thể thao túng nhiều việc. Thêm nữa, phu nhân của ông Nguyễn Thanh Sơn lại là bạn đồng môn cùng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội với chính thầy Thích Trúc Thái Minh. |
Từ nhiều năm nay, đã có những luồng dư luận gay gắt của người dân Việt Nam cho rằng nhiều ngôi chùa thật ra là những công cụ để kinh doanh và số tiền đó đi đâu, chảy vào túi ai thì hoàn toàn là chuyện bí mật. Thấp thoáng bóng dáng đằng sau những ngôi chùa ấy là những quan chức to, những lãnh đạo chính phủ, những đại gia tư bản đỏ. Sự cấu kết giữa tư bản đỏ và những quan chức nhà nước cùng với chức sắc đạo Phật đã khiến cho nhiều ngôi chùa cổ nhỏ bé được xây dựng mới, nay trở nên hoành tráng với những kỷ lục nhất Đông Nam Á, nhất Châu Á, nhất thế giới.
Cần nhắc lại, Đại lễ Phật đản chùa Ba Vàng năm 2022 có sự tham dự của Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận – Viện Trưởng viện Công Nghệ Viễn Thông, Chủ tịch sáng lập Hội Kỷ lục gia Việt Nam. Và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – ông Hoàng Đức Hạnh.
Không phải ngẫu nhiên mà vào thăm viếng những ngôi chùa ấy, chúng ta thấy nhiều hình ảnh của các lãnh đạo nhà nước, là ảnh chụp chung, là trồng cây lưu niệm, là cúng dường, thắp hương, là biển tên trang trọng… Những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… là những minh chứng rõ nét. Chỉ có sự móc nối cấu kết chặt chẽ với quan chức nhà nước, với các nhà tư bản đỏ thì mới có thể giải thích được hiện tượng biến đất công, tài sản quốc gia thành chùa chiền và việc xây dựng rất nhanh chóng những ngôi chùa đồ sộ bậc nhất thế giới.
Chuyện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương làm đơn xin xem xét khoan hồng cho ông cư sĩ Phạm Nhật Vũ (em trai ruột của ông Phạm Nhật Vượng, chủ của tập đoàn Vingroup) trong vụ án MobiFone và AVG, là một minh chứng rõ ràng cho sự gắn kết chặt chẽ giữa các đại gia tư bản đỏ, chính quyền với tôn giáo. Những đồng tiền phạm pháp của ông Phạm Nhật Vũ dùng để cúng dường, xây chùa và các vị tu hành đã thản nhiên chấp nhận số tiền phạm pháp đó. Như vậy có khác gì hình thức rửa tiền công khai? Và khi ông Phạm Nhật Vũ bị bắt, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã “hiên ngang” đứng ra xin khoan hồng.
Xin trích một đoạn trên website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
“Ông Phạm Nhật Vũ đã có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì vậy Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương có đơn đề nghị xem xét cho ông Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
… Trong nhiều năm qua, cư sĩ Từ Vân – Phạm Nhật Vũ âm thầm làm rất nhiều việc thiện, trước hết cho sự nghiệp hoằng pháp nước nhà, sau nữa cho công cuộc từ thiện nhân đạo trên cả nước. Ngay cả khi cư sỹ Từ Vân bị bắt tạm giam, gia đình của ông vẫn một lòng công đức vì sự nghiệp giúp đời. Hy vọng rằng, những công đức ấy được ghi nhận!”
Dùng tiền bẩn để làm từ thiện và nay vì sự từ thiện đó mà xin khoan hồng? Nhà Phật có câu: “Buông đao thành Phật”. Nhưng con dao này quá lớn rồi! Có lẽ sự cấu kết chặt chẽ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với những tư bản đỏ như ông Phạm Nhật Vũ chính là điều khiến cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trở thành những tập đoàn kinh doanh Phật giáo. Mà đã là những tập đoàn kinh doanh Phật giáo thì tất yếu phải có sự cạnh tranh. Cạnh tranh về danh tiếng cá nhân, về độ hoành tráng của ngôi chùa, về số tiền thu được từ cúng dường của các tín đồ. Thế nên mới có cuộc “đại chiến sư tăng” giữa Đại đức Thích Trúc Thái Minh và Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn
Vậy sự cấu kết giữa tư bản đỏ và nhà chùa là để làm gì? Để thu lợi, tất nhiên rồi. Thượng tọa trụ trì Chùa Hương là Thích Minh Hiền, vào năm 2014 từng gây ồn ào với 1,200 bao tải tiền gửi ngân hàng. Chính vì vậy, những ngôi chùa đó là các tập đoàn, thậm chí các siêu tập đoàn kinh doanh Phật giáo. Các tập đoàn Phật giáo đó kinh doanh điều gì? Kinh doanh dựa trên những niềm tin mù quáng của dân chúng. Thay vì đi giảng giáo lý, thay vì đi thực hành đạo Phật một cách đúng đắn, các ngôi chùa đó đã biến tướng, trở thành nơi truyền bá mê tín dị đoan.
Ai tiếp tay cho sự kinh doanh đó? Tất nhiên ngoài những vị sư trụ trì cụ thể mà miệng nam mô, bụng một bồ dao găm, còn có trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những ngôi chùa đó, không thể thờ ơ, dung dưỡng, để chùa chiền nhận tiền rồi im lặng và có những hình thức “kỷ luật” cho qua chuyện. Và các quan chức, lãnh đạo nhà nước nấp bóng sau những ngôi chùa đó cũng không thể nhập nhằng giữa tôn giáo và chính trị, dùng quyền lực của mình để kinh doanh tôn giáo. Ngoài ra một bộ phận truyền thông, báo chí chuyên đi xưng tụng, đăng quảng cáo cho những ngôi chùa kinh doanh Phật giáo đó, cũng phải chịu trách nhiệm.
Cần nhấn mạnh rằng các tập đoàn tôn giáo này hoạt động rất chuyên nghiệp. Mỗi tập đoàn đều có chiến lược phát triển kinh doanh riêng và hình thức quảng cáo riêng cho thương hiệu của họ. Tất cả đều xây dựng được đội ngũ truyền thông rất mạnh, với kỹ năng tác chiến tạo sự kiện không thua kém gì truyền thông nhà nghề, đến mức có thể khống chế và thao túng dư luận theo cách họ muốn, lôi kéo được lực lượng ủng hộ đông đảo mà thoạt nhìn dư luận cứ nghĩ họ thuần túy là tín đồ.
Ai là nạn nhân của những tập đoàn kinh doanh Phật giáo đó? Chính là người dân Việt Nam, là những người dân thường. Họ bị các nhà sư đầu độc bằng những giáo lý hoang đường, gieo rắc sự mê tín dị đoan, bị lợi dụng bởi sự thiếu hiểu biết, bị cái vòng hào quang tôn giáo mê hoặc. Nạn nhân còn là chính đạo Phật, từ một tôn giáo là nơi nâng đỡ tinh thần của hàng trăm triệu tín đồ trên thế giới, với những giáo lý cao đẹp, trở thành một tôn giáo bị mang tiếng xấu bởi một số ít kẻ trục lợi.
Và cuối cùng, quan trọng là số tiền thu lợi được từ quần chúng nhân dân sẽ chảy vào túi những ai? Điều này thì bất cứ ai trong số chúng ta đều có câu trả lời.
Các ngôi chùa to lớn mới xây ấy, thực chất là những tập đoàn. Các nhà sư trụ trì đóng vai trò giám đốc điều hành, núp bóng phía trên là hội đồng quản trị gồm những tư bản đỏ tư nhân và nhà nước. Lợi nhuận của công ty là siêu lợi nhuận và không chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Họ không chỉ là công ty mà còn trên cả các công ty vì không phải đóng thuế, không phải kiểm toán, không phải đóng bảo hiểm xã hội, không phải trả lương cho người lao động, không phải về hưu…
Điều gì đã khiến cho các tập đoàn kinh doanh Phật giáo nảy nở như nấm sau mưa? Tất nhiên không chỉ dựa vào niềm tin của dân chúng, mà chính là do thể chế của xã hội này đã dung dưỡng, bao che, khuyến khích phát triển. Tôn giáo gắn kết với quyền lực nhà nước, chỉ có thể là sự mưu cầu lợi ích cá nhân, chứ không thể là tôn giáo theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó.
(SGN)