Ngay những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp hãng xưởng ở Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn “chưa từng thấy” do thiếu đơn đặt hàng, nguồn vốn cạn kiệt.
Theo báo Zing hôm 6 Tháng Ba, ngành sản xuất Việt Nam đang ghi nhận những biến động “chưa từng có” trong những tháng đầu năm 2023. Nếu như những năm trước, sau Tết Nguyên Đán là thời điểm gia tăng sản xuất, tuyển dụng nhân sự, thì năm nay mọi chuyện lại khác.
Công ty Pou Yuen, nơi có công nhân nhiều nhất Việt Nam, vừa thông báo cắt giảm 6,000 công nhân. Từ Tháng Mười Một năm ngoái, doanh nghiệp này cũng đã cho gần 20,000 công nhân nghỉ việc luân phiên. Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đứng trước nguy cơ cắt giảm nhân sự, giờ làm vì “đói” vốn, “đói” đơn hàng.
“Tình hình của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng nghiêm trọng, sức mua giảm mạnh, nguồn vốn rất khó khăn,” ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc công ty Thực Phẩm Vĩnh Thành Đạt lo lắng nói.
Theo ông Thiện, nguyên nhân do việc siết chặt tín dụng thời gian qua đã khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn ngân hàng dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Trong giai đoạn này, việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng “gần như là không thể.”
“Thời hạn thanh toán thông thường chỉ khoảng 30 ngày, nhưng đến nay các đối tác mua hàng kéo dài đến 50-60 ngày. Đa số đều gặp tình cảnh khó khăn về tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp muốn vay thêm để bù khoản công nợ tăng nhưng không được do các tổ chức tín dụng đều thắt chặt việc cho vay dù cơ quan này luôn nói rằng vẫn tập trung nguồn vốn cho sản xuất,” ông Thiện cho biết.
“Các doanh nghiệp đang rất đuối về vấn đề tiền mặt, tình hình rất nặng nề chứ không đơn giản như năm ngoái,” ông Thiện nhìn nhận.
“Nhiều doanh nghiệp tích lũy được nguồn vốn nhất định để mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên nguồn vốn tích lũy chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40%, còn lại là các doanh nghiệp vay trung hạn và dài hạn vốn từ ngân hàng, vì vậy nếu vốn vay mà lãi suất cao, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực tài chính lớn,” bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương Thực, Thực Phẩm ở Sài Gòn cho biết thêm.
Không chỉ có doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhiều đơn vị trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí… xuất cảng cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan ở Sài Gòn (AGTEK), cho biết đa số nhân công của các doanh nghiệp dệt may đang phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm. Theo thống kê, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% chỉ còn 30%-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại không có đơn hàng. Điều này khiến hàng tồn kho doanh nghiệp tăng cao và thiếu dòng tiền để hoạt động.
“Các doanh nghiệp đều ở trong tình cảnh đơn đặt hàng giảm mạnh tới 30%-40%, chủ yếu là thị trường Mỹ, Châu Âu do sức ép lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu,” ông Hồng nói.
Theo ông, thời điểm này, điều doanh nghiệp cần nhất là giảm, giãn các loại thuế phí như giãn đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… để có nguồn tiền dự trữ lo cho công nhân trong giai đoạn hiện nay.
Tương tự, đơn hàng ngành chế biến gỗ cũng sụt giảm nghiêm trọng ở nhiều công ty, khiến nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, nhất là doanh nghiệp nội địa.
Trong một báo cáo mới nhất, Hiệp Hội Doanh Nghiệp ở Sài Gòn (HUBA) cho biết trong 100 doanh nghiệp thì có tới 85% đang gặp khó khăn chủ yếu do thị trường bị thu hẹp, khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vay cao…
“Số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, mức lương trả cho người lao động cũng giảm mạnh. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới,” HUBA đánh giá. (Tr.N) [kn]
(Nguoi-viet)