Home Tin TứcTin Thế Giới Phổ Cổ Warszawa – điều kỳ diệu từ bàn tay con người

Phổ Cổ Warszawa – điều kỳ diệu từ bàn tay con người

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Biết tôi thích cái gì cổ xưa, nên chỉ vài giờ sau khi tôi xuống phi trường quốc tế Warsaw Frederic Chopin, người bạn lôi tôi đi cho bằng được, để thăm Phố Cổ Warszawa.

Warsaw của Tháng Năm, chuẩn bị sang Hè, bầu trời trong, xanh, “có cái nắng, có cái gió”, mát rười rượi, nên đi bộ quanh Phố Cổ hơn tiếng đồng hồ, tôi không hề thấy mệt, mà mê. Mê những kiến trúc rất cổ xưa vẫn còn gần như nguyên vẹn, dù nơi này của hơn 80 năm về trước bị tàn phá tan khủng khiếp trong Thế Chiến thứ II.

Một góc Phố Cổ Warszawa.

Phố Cổ Warszawa đọc theo tiếng thông tục của Ba Lan là Starówka, rộng hơn 64 mẫu – một khu vực lâu đời nhất của Warsaw, giới hạn trong khu Wybrzeże Gdańskie, dọc theo sông Vistula, và bên cạnh các khu vực Grodzka, Mostowa và Podwale. Điểm rất đặc biệt ở đây, là mọi người có thể đi xuyên suốt từ khu vực này sang khu vực khác, bằng đường bộ, qua các công viên mà không cần ra đường lộ. Giống như bạn đến Las Vegas ở Nevada, và đi xuyên từ khách sạn này qua khách sạn khác dù chẳng thấy bầu trời.

Trở lại Phố Cổ Warszawa, trước khi đặt chân đến Warsaw, tôi đã nghe nói đây là điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất của Ba Lan, ai đã đến đất nước Đông Âu này, phải đến đây! Ít nhất là một lần.

Dù một số quốc gia vẫn còn căng thẳng vì đại dịch, nhưng từ LAX bay thẳng đến Warsaw, chẳng ai hỏi tôi kết quả xét nghiệm COVID-19. Có thể vì thế mà khách du lịch đi Ba Lan đã rất đông. Phố Cổ hôm ấy cũng có nhiều du khách ngoại quốc, phát hiện qua tiếng nói, hoặc một ít người đeo khẩu trang. Bạn tôi bảo: “Bên này bỏ khẩu trang lâu rồi! Người đeo khẩu trang đa số là khách du lịch. Ngay cả người Ukraine đang tị nạn bên này cũng bỏ đeo khẩu trang.” Thỉnh thoảng, bạn lại chỉ: “Đấy, người Ukaine đấy. Warsaw đang có mấy trăm ngàn dân tị nạn.” Thời điểm đầu Tháng Năm, khi người tị nạn Ukraine ở Ba Lan chưa trở về quê hương, họ được sắp xếp nơi ăn chốn ở và được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng miễn phí, nên đi khắp nơi cho đỡ… chồn chân.

Nhà Thờ Thánh Anna tại Phố Cổ Warszawa.

Khi đã gửi xe bên đường, và đi bộ một quãng, chúng tôi vào tới bên trong Phố Cổ. Ở đây, nhìn đâu cũng thấy rất cổ, nhưng không cũ. Trong Khởi nghĩa Warszawa (1939), phần lớn khu vực Phố cổ bị thiệt hại nặng nề bởi Luftwaffe của Đức, khi mục tiêu bị ném bom là các khu dân cư của thành phố và các địa điểm di tích lịch sử.

Cũng phải quay lại một chút về lịch sử địa danh này. Phố Cổ Warszawa được thành lập vào thế kỷ 13. Lúc đầu, nó được bao quanh bởi thành lũy bằng đất cho đến trước năm 1339 thành lũy được gia cố bằng tường gạch.

Cổng thành phía sau bằng gạch vẫn còn được giữ nguyên.

Thị trấn ban đầu phát triển xung quanh tòa lâu đài của Công tước Mazovia mà bây giờ là Lâu đài Hoàng Gia. Các đường phố bao quanh có kiến trúc thời Trung Cổ gồm tường thành, nhà thờ vòm chính tòa Thánh Gioan và Thành lũy Warszawa nối liền Phố cổ với Thị trấn mới Warszawa.

Vào đầu những năm 1910, Phố Cổ là quê hương của nhà văn Yiddish nổi tiếng là Alter Kacyzne, người sau này mô tả cuộc sống ở đó trong cuốn tiểu thuyết năm 1929 của mình “שטאַרקע און שוואַכע” (Shtarke un Shvache, “The Strong and the Weak”).

Một góc Phố Cổ nhìn từ trên cao, trong đó công trình màu vàng mới được tái chế cách ấy ba năm.

Phố Cổ như mô tả trong “The Strong and the Weak” là một khu ổ chuột với những gia đình nghèo, một số là người Do Thái, số khác là người Kitô giáo. Họ sống rất đông đúc trong những khu nhà chia nhỏ mà trước đó từng là cung điện của giới quý tộc. Một số nơi dành cho giới họa sĩ, nghệ sĩ làm xưởng vẽ riêng, và cũng có cả phố đèn đỏ.

Đàn chim bồ câu quanh quẩn trong khu ăn uống ở Quảng trường trong Phố Cổ.

Năm 1918, Lâu đài Hoàng Gia trở thành trụ sở của cơ quan công quyền cao nhất Ba Lan. Nay là nơi làm việc của Tổng thống Ba Lan và văn phòng thủ tướng. Vào cuối những năm 1930, trong thời kỳ Stefan Starzyński là thị trưởng của Warszawa, chính quyền thành phố bắt đầu tân trang lại Phố Cổ và khôi phục lại danh tiếng trước đây. Thành lũy và Quảng trường chợ được khôi phục một phần. Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể thực hiện thành công vì sự bùng nổ của Thế Chiến II.

Tượng Vua Zygmunt Waza cầm gươm và Thánh Giá đứng trên chiếc cột cao trước Quảng trường và Lâu đài Hoàng gia.

Thế Chiến II phá nát Phố cổ. Nhưng sau đó, nơi đây được xây dựng một cách tỉ mỉ trong nỗ lực phục dựng nguyên mẫu, nên rất nhiều viên gạch cũ được giữ nguyên. Tuy cố gắng phục dựng như cũ, nhưng để dựng lại nguyên hình một Warszawa của trước chiến tranh thì không dễ. Một số bản vẽ như Veduta của Bernardo Bellotto thế kỷ 18 cùng nhiều tác phẩm của sinh viên kiến trúc trước Thế Chiến II được sử dụng làm tài liệu trong quá trình tái thiết, nhưng cũng một số bản vẽ của Bellotto không phù hợp với quá trình chỉnh trang và một số trường hợp, nó đã được sử dụng làm thiết kế của một tòa nhà mới.

Đặc biệt trái tim của Chopin hiện còn được người dân thủ đô đem về cất giữ tại một nhà thờ, bên ngoài có ghi “Nơi đây trái tim của Chopin đang yên nghỉ.” Theo di chúc của Chopin, ông muốn trái tim của mình được đem về miền đất quê hương yêu dấu. Và nguyện ước ấy được thực hiện.

Khi đi ngang một bức tường thành phố có từ thời Trung Cổ, tôi nhìn thấy một bức tượng nhỏ có tên Mały Powstaniec. Đó là bức tượng một cậu bé đội chiếc nón bảo hiểm quá đầu và cầm súng tiểu liên. Nón bảo hiểm và súng tiểu liên được cách điệu theo trang bị của Đức, những thứ bị tịch thu trong cuộc nổi dậy và được sử dụng bởi những người kháng chiến chống lại lực lượng chiếm đóng. Bức tượng này được dựng lên, để tưởng nhớ những “anh lính trẻ con” tham gia chiến đấu và hy sinh trong Cuộc nổi dậy Warsaw năm 1944.

Bức tượng “Chiến sĩ nhí nổi dậy” vinh danh những chú lính tí hon phải “ra trận” và hy sinh trong Thế Chiến II.

Đi một vòng mỏi gối, du khách ghé Quảng trường chợ để ăn uống, mua sắm, ngắm nghía người đi qua, kẻ đi lại, và để chụp hình lưu niệm với “Nàng Tiên Cá”.

Có một vài truyền thuyết về “Nàng Tiên Cá”. Chuyện kể rằng từ thời xưa có một nàng tiên cá sau khi dừng chân bên bờ sông gần Phố Cổ thì quyết định dừng lại. Ngư dân nhận thấy một cái gì đó đang tạo ra sóng, làm lưới của họ rối lên. Họ nghe được cả tiếng hát của nàng tiên cá, và đem lòng cảm mến cô. Một thương nhân giàu có giăng bẫy và giam cầm nàng tiên cá. Nghe thấy tiếng khóc của cô, các ngư dân giải cứu cô. Kể từ đó, nàng tiên cá được trang bị một thanh kiếm và khiên, để cô có thể bảo vệ thành phố và cư dân.

Du khách chụp hình trước bức tượng Nàng Tiên Cá trong Phố Cổ.

Cũng một số truyền thuyết khác về “Nàng Tiên Cá” nhưng có vẻ câu chuyện trên “dính dáng” nhiều đến cái tên của thủ đô Ba Lan: Warssawa trong tiếng Ba Lan là do hai từ “Wars” và “Sawa” ghép lại, có nghĩa “Nàng Tiên Cá”.

Nhưng không thể không kể đến người có công lớn trong việc phục chế lại Phố Cổ gần giống như ngày xưa. Đó là kiến trúc sư Jan Zachwatowicz. Ông sinh ra ở Gatchina, theo học ngành Kỹ thuật Xây dựng Công nghiệp tại Đại học Bách khoa Saint Petersburg và tốt nghiệp Trường Kiến trúc thuộc Đại học Công nghệ Warsaw vào năm 1930. Ông trở thành giáo sư của Đại học Công nghệ Warsaw từ năm 1946, và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan từ năm 1952, thành viên của Académie d’architecture ở Paris từ năm 1967, thành viên của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế. Kiến trúc sư Jan Zachwatowicz đóng góp chính vào việc tái tổ chức và mở rộng dịch vụ trùng tu ở Ba Lan.

Trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan (1939–1945), ông tham gia giảng dạy, bảo vệ và lưu giữ các công trình, đo đạc các tòa nhà di tích (bao gồm Quảng trường Chợ ở Phố Cổ Warzawa). Sau Thế Chiến II, nhiều tòa nhà lịch sử khác ở Gdańsk, Poznań, và Wrocław được khôi phục hoặc xây dựng lại theo các nguyên tắc do Jan Zachwatowicz và nhóm của ông thiết lập. Một trong nhiều thành tựu của ông là việc xây dựng lại Nhà thờ Thánh John ở Warsaw.

Tượng kiến trúc sư Zachwatowicz, người vẽ lại các kiến trúc cổ xưa để xây lại Phố Cổ Warszawa.

Trải qua thời gian dài được tái thiết, giờ đây, ai đến Phổ Cổ Warszawa vẫn thấy những nét cổ kính nguyên vẹn sau những tổn thất kinh hoàng của Thế Chiến II.

Tai nghe không bằng mắt thấy. Nếu cũng thích cổ cổ, xưa xưa như tôi, bạn nên làm một chuyến sang Warsaw, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của một nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1980. Phố Cổ Warszawa xứng đáng là một di sản vì sự nổi bật quá trình tái thiết do bàn tay con người, gần như hoàn thiện của một giai đoạn lịch sử kéo dài 700 năm từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Đây cũng là một trong những Di tích Lịch sử Quốc gia Ba Lan được công nhận vào ngày 16 Tháng Chín năm 1994.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.