Sau 2 quý chứng kiến GDP giảm liên tiếp, một cuộc tranh luận đã nổ ra trên khắp Phố Wall và Washington về việc khi nào Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và liệu suy thoái đã xảy ra hay chưa.
Về mặt kỹ thuật, suy thoái sẽ được xác định bởi nhóm chuyên gia của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) dựa theo các chỉ báo hàng tháng về việc làm, chi tiêu của người tiêu dùng, thu nhập cá nhân và sản xuất. Song, với lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ, nhiều người Mỹ cảm thấy họ đã ở trong suy thoái.
Dưới đây là một số chỉ báo được giới chuyên gia theo dõi trong suốt một thời gian dài, được coi là những chỉ báo kỳ lạ có thể cảnh báo suy thoái.
Chỉ số đồ lót nam giới
Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan là người thường theo dõi thói quen chi tiêu của nam giới đối với đồ lót. Ông lập luận rằng, họ sẽ ngừng mua quần đùi và nội y khi bối cảnh kinh tế trở nên khó khăn hơn. Điều này đã được chứng mình là đúng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và trong cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020, theo dữ liệu của Euromonitor.
Nhà phân tích David Swartz của Morningstar cho biết, sức mua đối với hàng may mặc trên cả nước Mỹ sụt giảm do tỷ lệ thất nghiệm gia tăng và chi tiêu đi xuống. Ông nói: “Nếu bạn sử dụng thước đo này như một phong vũ biểu, yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi là doanh số của Fruit of the Loom và Hanes tại Walmart và Target – nơi hầu hết người Mỹ đến để mua đồ lót.”
Hanesbrands sẽ công bố báo cáo tài chính quý II vào ngày 11/8. Còn Walmart công bố ngày 16/8. Song, hãng bán lẻ gần đây đã hạ dự báo lợi nhuận, một phần là do họ cần giảm giá sâu hơn do một số hàng hóa bán ra chậm, ví dụ như đồ may mặc.
Chỉ số rượu sâm panh
Rượu sâm panh – sản phẩm thường được sử dụng trong những dịp đặc biệt và lễ kỷ niệm, được coi là chỉ báo cho những gì sắp xảy ra kể từ giữa những năm 1980. Ở thời điểm này, số lượng các lô hàng sâm panh đã tăng vọt khi Phố Wall trong giai đoạn bùng nổ. Năm 1987, lượng tiêu thụ rượu sâm panh đã đạt 15,8 triệu chai, sau đó sụt giảm trong cuộc suy thoái xuống còn 10 triệu chai vào năm 1992.
Xu hướng này lặp lại trong thời kỳ Đại suy thoái: Lượng tiêu thụ rượu sâm panh tăng vọt lên 23,2 triệu chai vào năm 2006, sau đó giảm xuống 12,6 triệu chai vào năm 2009. Dù số liệu 2022 chưa được công bố, nhưng số liệu từ NielsenIQ cho thấy doanh số bán rượu sâm panh tại Mỹ đã giảm từ 7-8% trong tháng 5 và tháng 6.
Chỉ số son môi
Đầu những năm 2000, Chủ tịch Estee Lauder – Leonard Lauder, đã đặt ra thuật ngữ “chỉ số son môi” khi ông nhận định phụ thường thích những thứ xa xỉ như son môi để khiến tâm trạng được cải thiện trong thời kỳ suy thoái. Hãng phân tích dữ liệu NPD cho thấy nhận xét trên là đúng. Trong số 14 ngành bán lẻ không thiết yếu mà NPD theo dõi, làm đẹp là ngành duy nhất ghi nhận doanh số tăng trưởng trong năm nay. Trong báo cáo gần đây, NPD đã chỉ ra mức tăng trưởng 2 con số của lĩnh vực này.
Chỉ số độ dài của váy
Độ dài của váy đã được theo dõi sát sao kể từ thời kỳ Đại suy thoái, khi độ dài của váy thường tăng lên trong thời điểm thị trường tăng giá và giảm xuống khi thị trường lao dốc. Những chiếc váy ngắn của hãng Flappers trong thập niên 1920 đã được thay thế bằng những chiếc váy dài trong thời kỳ Đại suy thoái và váy dài vừa phải trong Thế chiến II.
Gần đây hơn, chân váy ngắn là trang phục phổ biến trong thời kỳ trước đại dịch. Nhưng khi tâm lý chán chường do Covid-19 tăng lên, mâu thuẫn Nga – Ukraine căng thẳng và kinh tế bất ổn, váy midi (dài ngang gối) và váy maxi (dài qua gối) đang được chị em ưa chuộng hơn.
Chỉ số bỉm trẻ em
Một số người cho rằng các bậc phụ huynh thường nỗ lực tiết kiệm bằng cách ít thay bỉm thường xuyên hơn cho con nhỏ trong thời kỳ suy thoái. Theo đó, doanh số bán thuốc mỡ và kem bôi trị kích ứng cho trẻ em cũng tăng lên.
Dữ liệu của IRI cho thấy doanh số bán hàng của các sản phẩm này trong năm 2022 tăng cao hơn đáng kể so với những năm trước. Trong khi đó, doanh số bán tã giấy lại giảm so với trước đại dịch. Tuy nhiên, chủ tịch bộ phận khách hàng của IRI – Krishnakumar Davey, cho biết xu hướng này có thể có nguyên nhân do nhiều yếu tố khác và không liên quan đến nền kinh tế.
Chỉ số hộp các-tông
Hộp các-tông thường được coi là một thước đo cho hoạt động sản xuất, vì loại hộp này được sử dụng để vận chuyển hàng hoá. Trong quý II, CFO của International Paper Co. – Tim Nicholls. cho biết nhu cầu thấp hơn dự kiến và có thể sẽ không có chuyển biến do người Mỹ thay đổi thói quen chi tiêu. Theo ông, do lạm phát, người tiêu dùng đang ít mua đồ hơn và nhu cầu vận chuyển bằng hộp các-tông cũng giảm.
Chỉ số theo dõi từ “suy thoái”
Đầu những năm 1990, Economist đã “phát minh” ra chỉ số R-Word để đếm số lượng tin bài trên các tờ báo lớn đề cập đến từ “suy thoái” và sử dụng chỉ số này để xác định thời điểm bắt đầu các cuộc suy thoái ở Mỹ vào các năm 1990, 2001 và 2007. Google Trends cũng là công cụ tương tự để theo dõi số lượng xuất hiện của từ “suy thoái”. Số lượt tìm kiếm từ này đã tăng đột biến trong khoảng thời gian được NBER xác định là suy thoái và đã tăng lên kể từ tháng 6.
Lĩnh vực công nghệ “mất đà”
Ngoài số liệu về thị trường lao động, Bloomberg còn theo dõi các công ty công nghệ thông báo về những đợt giảm tốc độ tuyển dụng. Con số này đang tăng lên trong những tháng gần đây. Tuần trước, Amazon cho biết họ đã cắt giảm 100.000 việc làm trong quý và đang tuyển dụng thêm với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2019. CEO của Meta Platforms – Mark Zuckerberg, nói với các nhân viên rằng ông dự đoán một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất lịch sử sắp xảy ra.
Tham khảo Bloomberg