Máy bay thương mại Concorde một thời tung hoành và nổi tiếng thế giới với tốc độ siêu thanh cũng chỉ bay nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh – tức 2,180 km (1,354 dặm) mỗi giờ, khoảng Mach 2.04. Trong khi đó, hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal của Nga có thể đạt Mach 5. Về lý thuyết, không có bất kỳ vũ khí nào có thể bắn hạ nó. Quân đội Mỹ có một cách khác để chạy đua về vũ khí siêu thanh: oanh tạc cơ (hypersonic bomber) phóng với vận tốc Mach 10!
Ngày 14 Tháng Tư 1986, Không quân Hoa Kỳ mất một máy bay phản lực siêu thanh F-111 trên không phận Libya. Ngày hôm sau, Mỹ đưa một máy bay phản lực khác vào không phận Libya để quan sát đánh giá thiệt hại chiến trường. Để tránh tiếp tục tổn thất bởi hàng rào phòng không của Libya, lần này máy bay được đưa vào là loại cực nhanh. Phi công quân đội Mỹ gọi nó là “Habu”, một loại chim săn mồi, nhưng nó được biết đến với cái tên quen thuộc hơn: SR-71 Blackbird, được Lockheed Martin sản xuất trong một dự án siêu mật thời thập niên 1960.
Vận tốc SR-71 Blackbird là Mach 3.2 nhưng để tránh các loại hỏa tiễn phòng không SA-2 và SA-4 của Libya (Liên Xô sản xuất) có khả năng bay với Mach 5, SR-71 Blackbird phải bay nhanh hơn. Thiếu tá Brian Shul, người trực tiếp bay SR-71 Blackbird lúc đó, kể lại, khi được tăng tốc, hai động cơ J-58 của SR-71 Blackbird ngốn đến 2,831 mét khối không khí mỗi giây. Khi phát hiện tín hiệu hỏa tiễn địch trên màn hình, Brian Shul đẩy máy bay phóng lên độ cao hơn 70,000 feet (hơn 21 km). Lúc đó, màn hình tốc độ hiển thị SR-71 Blackbird đang bay ở vận tốc Mach 3.5 – nhanh hơn tốc độ viên đạn bắn ra từ khẩu M-16!
Bắt đầu được đưa vào sử dụng năm 1966, với tổng cộng 32 chiếc được sản xuất, SR-71 Blackbird là huyền thoại thời Chiến tranh lạnh. Năm 1998, Không quân Mỹ cho nó nghỉ hưu để tập trung vào các dự án máy bay tàng hình. Trong suốt thời gian “tại ngũ”, phi đội SR-71 Blackbird từng đối mặt hơn 4,000 hỏa tiễn và chưa từng có một hỏa tiễn nào có thể bắn hạ chúng. Bây giờ, khi Trung Quốc và Nga tăng tốc phát triển hỏa tiễn siêu thanh, quân đội Mỹ lại nhắm đến việc cho ra đời phiên bản kế tiếp của SR-71 Blackbird – gọi là SR-72. Dự án này hoàn toàn tuyệt mật nhưng Popular Mechanics cho biết, nó có tên “Project Mayhem”.
Cuộc đua giành ưu thế về tốc độ diễn ra ngày càng cấp bách kể từ Tháng Ba 2018, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sở hữu hỏa tiễn siêu thanh đầu tiên trên thế giới, Kh-47M2 Kinzhal có khả năng bay nhanh hơn Mach 5.
Xét riêng về kỹ thuật siêu thanh ứng dụng trong quân sự, có thể nói Mỹ là hàng đầu. Từ năm 1957, Boeing đã đưa ra phi cơ X-20 Dyna-Soar dùng ném bom và trinh sát (Neil Armstrong là một trong những phi công đầu tiên được chọn cho chương trình này); và năm 1967, phi công thử nghiệm của Không quân William “Pete” Knight đã bay X-15A-2 với tốc độ Mach 6.7! Đến năm 2004, X-43A của NASA đã phóng với vận tốc Mach 9.6; rồi năm 2007, có tin Skunk Works và Không lực đang nghiên cứu dự án SR- 72. Đến năm 2015, SR-72 không còn bị che giấu sau bức màn “dự án đen”. Trên website mình, Lockheed Martin cho biết SR-72 có thể được đưa vào sử dụng vào năm 2030. Song song, Mỹ cũng nghiên cứu hỏa tiễn siêu thanh.
Hiện tại, tất cả hỏa tiễn siêu thanh đều có chung một nhược điểm: Giá thành quá cao. Một đánh giá gần đây của Ngũ Giác Đài cho biết, thế hệ hỏa tiễn siêu thanh đang được nghiên cứu và phát triển của Mỹ có giá từ $89.6 triệu đến $106 triệu/chiếc – đắt hơn cả máy bay chiến đấu F-35A. Từ Tháng Tám 2020, Không quân đã tạo ra một chương trình mới trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh (tổng cộng có đến 70 dự án, tính đến năm 2021); trong đó, Mayhem là trong những dự án quan trọng nhất.
Hầu hết vũ khí gồm hỏa tiễn và bom phóng từ trên không của Mỹ có giá từ hàng chục nghìn đến vài triệu đôla mỗi loại. Chúng sẽ trở nên lợi hại gấp nhiều lần nếu được bắn đến các mục tiêu ở tốc độ siêu thanh từ bên trong khoang chứa bom của máy bay SR-72 phóng như sao xẹt. Việc dùng máy bay siêu thanh phóng hỏa tiễn loại thường sẽ giúp tiết kiệm đáng kể, so với với việc bắn một hỏa tiễn siêu thanh trị giá trung bình $100 triệu.
Cần biết, hỏa tiễn siêu thanh của Nga và Trung Quốc chỉ được phóng ra từ chiến đấu cơ bình thường chẳng hạn MIG-31k, chứ không phải từ máy bay siêu thanh. Mặc dù Lockheed Martin hiện đã xóa bất kỳ thông tin nào về SR-72 khỏi trang web của họ nhưng Không lực Hoa Kỳ luôn úp mở ám chỉ rằng Dự án Mayhem không bị xóa sổ. Tháng Mười Hai 2021, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân phụ trách phát triển các công nghệ chiến đấu mới đã phát hành một tài liệu cập nhật cho Mayhem, với việc nhấn mạnh rằng Mayhem cần phải thực hiện “nhiều nhiệm vụ” hơn.
(SGN)