Các địa phương và doanh nghiệp tại Trung Quốc đang cố gắng xây dựng lại chuỗi cung ứng nhằm phục hồi lại khả năng sản xuất kinh doanh sau khi chính quyền vừa dỡ bỏ phần lớn chính sách Zero-Covid.
Theo trang tin Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các tỉnh thành của Trung Quốc đang cử phái các đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài để tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu và kêu gọi đầu tư nước ngoài sau khi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ nước này vì chính sách “không Covid.”
Giờ đây, nhiều công ty xuất khẩu Trung Quốc lo sợ về sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa họ với nhau để tranh giành đơn hàng. Nỗi lo này đang ngày càng lớn đối với một số doanh nghiệp cỡ nhỏ.
Chen Yuan là một nhà xuất khẩu máy tính và phụ kiện điện thoại của Trung Quốc. Anh đã chọn Dubai là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên sau 3 năm bị kìm chân ở trong nước vì các biện pháp phong tỏa của chính quyền.
Chen cho biết cuộc gặp gỡ với một số khách hàng lâu năm là “cuộc hội ngộ thú vị của những người bạn cũ”. Trong 3 năm qua, họ không vào Trung Quốc, còn người các doanh nhân Trung Quốc thì không được ra ngoài.
Chen khởi hành vào ngày 6/12 cùng với một nhóm hơn chục doanh nhân và các quan chức từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Sau 4 ngày gặp gỡ với các khách hàng cũ và mới, đồng thời tham dự các sự kiện thương mại ở Trung Đông, cả nhóm đã bay đến Jakarta để tham dự một chương trình tương tự.
Cũng giống Chen Yuan, nhà sản xuất dệt may Shen Wei từ thành phố Gia Hưng lân cận cũng vừa có chuyến công tác Nhật Bản trở về. Chuyến đi này chính quyền thành phố Gia Hưng tổ chức, với đại diện của hơn 90 công ty dệt may Trung Quốc. Họ tham dự Hội chợ Thời trang Châu Á ở Tokyo.
Ông Shen Wei cho biết trước đây việc đi công tác nước ngoài và gặp gỡ đối tác là chuyện cơm bữa, nên họ coi là bình thường. Bây giờ, họ phải rất trân trọng những cơ hội như thế này.
Khi ĐCSTQ chuyển trọng tâm sang việc mở cửa nền kinh tế trở lại đúng hướng và nới lỏng chính sách zero-Covid nghiêm ngặt sau các cuộc biểu tình khắp đất nước, các địa phương đã nhanh chóng thúc giục các phái đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm ăn nhằm cố gắng bù đắp cho 3 năm thiệt hại vì đơn đặt hàng xuất khẩu thu hẹp và đầu tư nước ngoài rút đi.
Các quan chức chính quyền cũng tham gia đi cùng các nhà xuất khẩu và sản xuất ra nước ngoài. Các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông – những trung tâm xuất khẩu lớn, hay các trung tâm kinh tế khác như Tứ Xuyên và Sơn Đông, cũng đều có quan chức đi tham dự các hội chợ thương mại và xây dựng các mối quan hệ mới ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và các nước Châu Á khác.
Theo một số nhà phân tích, đây là một tín hiệu tích cực và cần thiết cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc sau khi họ bị cô lập bởi chính sách kiểm soát dịch bệnh của chính quyền.
Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu cho biết những thương tích do thời gian dài bị cô lập sẽ khó mà có thể được chữa lành ngay lập tức, đặc biệt là trong bối cảnh sức cầu từ các nền kinh tế phát triển đang giảm do nguy cơ suy thoái kinh tế và do nhiều nước đang tìm cách bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ.
Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi chuỗi cung ứng của mình.
Nhà sản xuất dệt may Shen Wei cho biết khoảng thời gian này mọi năm công ty của ông thường nhận được rất nhiều đơn đặt hàng về len và sợi cashmere, nhưng năm nay khách hàng nước ngoài đặt hàng dè dặt khiến ông lo lắng.
Tin tức gần đây cho thấy Mỹ và Châu Âu giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc do chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn vì các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Cho nên các doanh nghiệp của họ đã thúc đẩy việc tìm kiếm các nhà cung cấp từ các nước khác.
The ông Shen Wei, khách hàng nước ngoài quan tâm nhất đến sự ổn định của chuỗi cung ứng, cho nên khi sự bất ổn trong sản xuất ở Trung Quốc gia tăng, dần dần họ tìm kiếm các đối tác mới, chẳng hạn như các nhà cung cấp ở Đông Nam Á.
Trong làn sóng công tác nước ngoài mới nhất này, các chính quyền địa phương đã trợ cấp một phần chi phí máy bay và khách sạn cho các doanh nghiệp. Họ cũng đảm bảo rằng việc xin thị thực của các doanh nhân sẽ diễn ra suôn sẻ.
Các doanh nghiệp cho biết chỉ cần ngồi cùng nhau, đàm đạo với nhau sẽ hữu ích hơn là viết hàng trăm chiếc email.
Ông Shen Wei cho biết ông đã đàm phán được một đơn hàng mới trị giá 1 triệu Đôla sau khi gặp lại một khách hàng ở Hàn Quốc sau 3 năm.
Đối với nhà sản xuất dệt may Chen Yuan, anh cho biết thị trường xuất khẩu lớn nhất của anh trước đây là Mỹ, nhưng đã bị thu hẹp sau khi Washington áp đặt mức thuế 25% trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Do đó, việc tìm kiếm khách hàng mới là rất cấp bách.
Không những thế, nhu cầu từ châu Âu cũng đang suy yếu do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraina.
Chen cho biết mở rộng thị trường sang Trung Đông và Đông Nam Á là mục tiêu chính đối với doanh nghiệp của anh, cho nên anh đã tham gia phái đoàn do chính quyền Ninh Ba tổ chức để gặp gỡ các nhà nhập khẩu và hiệp hội doanh nghiệp ở Dubai và Jakarta.
Chen nói: “Nếu tôi không ra nước ngoài, tôi sẽ không có cơ hội gặp gỡ những khách hàng tiềm năng đó.”
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn yêu cầu những người đến từ nước ngoài hoặc bay từ nước ngoài về nước phải dành thời gian cách ly tại khách sạn và cách ly tại nhà, cho nên số lượng các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, những người có thể đi công tác nước ngoài vẫn chưa đông.
Một số nhà xuất khẩu cũng chủ động đi tìm kiếm đối tác thay vì chờ chính quyền địa phương tổ chức cho họ.
Lu Hua có một công ty gia công linh kiện tại Quảng Đông. Doanh nhân này hồi đầu tháng 10 đã chủ động đi thăm khách hàng ở Bắc Mỹ và chuẩn bị xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam.
Lu Hua cho biết sau khi các biện pháp kiểm soát Covid được nới lỏng, giờ đây các công ty xuất khẩu Trung Quốc được khuyến khích ra nước ngoài để thu hút các đơn đặt hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số đơn đặt trước đây có thể đã mất vĩnh viễn vì ngày càng có nhiều công ty nước ngoài thực hiện việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo số liệu của công ty tư vấn Descartes, nhập khẩu hóa của Mỹ từ Trung Quốc trong tháng 10 giảm 5,5% so với tháng 9. Trong khi đó, Mỹ lại tăng nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác.
Đây rõ ràng là một sự đảo chiều mạnh so với cách đây vài năm.
Theo Christian Roeloffs, Giám đốc điều hành của hãng Container xChange, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục. Tốc độ đa dạng hóa này sẽ diễn ra tỷ lệ thuận với sự gián đoạn nguồn cung tiếp theo mà chúng ta có thể diễn ra ở Trung Quốc.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,3% trong tháng 10.
Dù các tỉnh thành đang tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, nhưng phần lớn các chuyên gia kinh tế vẫn dự báo rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu của năm 2023 do kinh tế toàn cầu chững lại.
Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng lo lắng rằng chính họ sẽ phải “so găng” với nhau do thị phần nước ngoài dành cho họ bị thu hẹp.
(DKN)