Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Cuộc đấu thuật toán tại Tối cao Pháp viện

Cuộc đấu thuật toán tại Tối cao Pháp viện

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Meta, Twitter, Microsoft và những ông lớn công nghệ khác đang kêu gọi Tối cao Pháp viện không thụ lý các vụ kiện chống lại thuật toán công nghệ (tech algorithm) vì nó ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường trên web.

Hợp lực chống lại

Thuật toán Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực rộng lớn bao gồm các thuật toán Học máy và Thuật toán Học sâu (Machine Learning Algorithm và Deep Learning Algorithm). Mục tiêu chính của các thuật toán là cho phép máy tính tự học và đưa ra quyết định hoặc tìm các mẫu hữu ích. Các thuật toán Trí tuệ nhân tạo học từ chính dữ liệu.

Ngày thứ Năm, 19 Tháng Một, một loạt doanh nghiệp, người dùng internet, học giả và thậm chí cả các chuyên gia về nhân quyền cùng hợp sức bảo vệ lá chắn trách nhiệm pháp lý của Big Tech trong một vụ kiện quan trọng lên Tối cao Pháp viện liên quan đến thuật toán. YouTube lập luận: “Việc đề xuất loại trừ một công cụ (ở đây là thuật toán) được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI) khỏi quyền được bảo vệ pháp lý của luật liên bang cho các công ty công nghệ sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với mạng internet mở”.

CNN cho biết, nhóm đứng ra bảo vệ thuật toán tại Tối cao Pháp viện khá đa dạng, từ các công ty công nghệ lớn như Meta, Twitter, Microsoft cho đến một số dịch vụ công nghệ nổi tiếng như Yelp, Electronic Frontier Foundation. Ngay cả trang Reddit và ban điều hành của nó cũng tích cực tham gia. Trong kiến nghị gửi tới tòa án, các công ty, tổ chức và cá nhân trên cho biết điều khoản luật liên bang mà Tối cao Pháp viện sắp phân xử là “Mục 230” (Section 230) trong “Luật về khuôn phép trong giao tiếp” (Communications Decency Act).

Mục này được xem là “lá chắn bảo vệ” quan trọng đối với các chức năng cơ bản của web. “Mục 230” hiện được sử dụng để bảo vệ tất cả trang web (không chỉ các nền tảng truyền thông xã hội) khỏi các vụ kiện liên quan đến các nội dung được bên thứ ba (như người dùng) đưa lên. Câu hỏi trọng tâm của vụ kiện “Gonzalez kiện Google” (Gonzalez v. Google) là liệu Google có thể bị kiện vì thuật toán của nó để lọt lưới cả các nội dung ủng hộ tổ chức khủng bố ISIS trên YouTube? Google lập luận: “Mục 230 giúp ngăn cản các vụ kiện như thế”.

Tuy nhiên, các nguyên đơn trong vụ kiện “Gonzalez kiện Google”, các thành viên gia đình của một người thiệt mạng trong vụ tấn công của “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở thủ đô Paris của nước Pháp năm 2015, lại lý lẽ khác: “Thuật toán sàng lọc của YouTube phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật chống khủng bố của Hoa Kỳ khi cho đăng một nội dung khủng bố”.

Trong hồ sơ của mình gửi lên toà, Reddit và nhóm điều hành phản bác: “Một phán quyết cho phép kiện chống lại các thuật toán của ngành công nghệ có thể dẫn đến vô số vụ kiện trong tương lai chống lại các nội dung, trong đó có cả các vụ kiện chống lại người dùng internet cá nhân. Toàn bộ nền tảng Reddit được xây dựng dựa trên nội dung người dùng đưa lên để chia sẻ với những người dùng khác. Nhiệm vụ của chúng tôi là dùng thuật toán quản lý nội dung. Không nên đánh giá thấp hậu quả nêu bên kiện thuật toán chiến thắng vì phán quyết của toà sẽ dẫn đến hậu quả đáng sợ: khả năng mọi người dùng internet đều có thể bị kiện vì các tương tác trực tuyến của họ”.

Bên thứ ba là nạn nhân chính

Yelp, một đối thủ lâu năm của Google cho biết hoạt động kinh doanh của dịch vụ phụ thuộc vào việc cung cấp các bài đánh giá “không gian lận” cho người dùng sau khi thuật toán đã sàng lọc xong nên một phán quyết của toà sẽ dẫn đến trách nhiệm pháp lý đối với các thuật toán sử dụng và phá vỡ các chức năng hoạt động cốt lõi của Yelp khiến nó phải ngừng dùng thuật toán quản lý tất cả các bài đánh giá, kể cả những thứ bị sửa đổi hoặc giả mạo.

Nếu Yelp không thể phân tích và sàng lọc các bài đánh giá, chủ doanh nghiệp có thể gửi hàng trăm bài đánh giá có lợi cho doanh nghiệp của họ mà không sợ bị kiểm duyệt, không tốn nhiều công sức biên tập và nguy cơ bị phạt cũng thấp. Twitter nêu ý kiến: “Mục 230 đảm bảo các nền tảng có thể tự kiểm duyệt nội dung để cung cấp dữ liệu phù hợp nhất cho người dùng trong số lượng thông tin khổng lồ được thêm vào internet mỗi ngày. Một người dùng sẽ mất khoảng…181 triệu năm để tải xuống tất cả dữ liệu từ web hôm nay”.

Meta lập luận: “Nếu Tối cao Pháp viện đưa ra cách giải thích mới cho ‘Mục 230’, nhiều công ty công nghệ và mạng xã hội sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý đối với hầu như tất cả nội dung của bên thứ ba mà họ đưa lên và lưu trữ”. Microsoft cho biết một phán quyết bất lợi cho thuật toán sẽ gây nguy hiểm cho GitHub, kho lưu trữ mã trực tuyến khổng lồ được sử dụng bởi hàng triệu lập trình viên.

“Nguồn cấp dữ liệu này sử dụng thuật toán để giới thiệu phần mềm cho người dùng – Microsoft viết – Đối với một nền tảng có 94 triệu nhà phát triển tham gia, hậu quả của việc sửa đổi ‘Mục 230’ có khả năng tàn phá cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của thế giới”. Microsoft cho biết công cụ tìm kiếm Bing và mạng xã hội LinkedIn của công ty cũng được hưởng các biện pháp bảo vệ thuật toán theo “Mục 230”.

Theo Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền Stern (Stern Center for Business and Human Rights) thuộc Đại học New York (NYU), hầu như không thể thiết kế một quy tắc chung để buộc trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung của bên thứ ba mà thuật toán cho phép đưa lên, mà chỉ dẫn đến phí phạm một lượng lớn nội dung có giá trị, đặc biệt là nội dung của các nhóm yếu thế và thiểu số”.

Kiến nghị của NYU kết luận: “Phán quyết chống thuật toán của toà sẽ khiến các công ty công nghệ và mạng xã hội sẽ phải giảm bớt hay loại bỏ hoàn toàn nội dung của bên thứ ba khi không còn sự trợ giúp của thuật toán. Người dùng sẽ thiệt hại và quyền tự do ngôn luận sẽ biến mất! Vì vậy, không nên đặt thuật toán ra ngoài vòng pháp luật”.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.