Home Tin TứcTin Thế Giới Chính quyền Palestine đứng ở đâu trong cuộc chiến?

Chính quyền Palestine đứng ở đâu trong cuộc chiến?

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Khi các chiến binh khủng bố Hamas đột kích miền Nam Israel và Israel trút bom đạn xuống Gaza, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có mặt tại bản doanh ở thành phố Ramallah để thực hiện các cuộc gọi và tổ chức các cuộc họp.

Sau cuộc thảo luận với các quan chức an ninh cao cấp, ông tuyên bố: “Người Palestine có quyền tự vệ trước hành động khủng bố của những người định cư và lực lượng chiếm đóng”. Phát biểu như vậy, Mahmoud Abbas đứng ở đâu trong cuộc xung đột đẫm máu này?

Chọn cách an toàn để tồn tại

Phản ứng mang tính “công thức” và “chung chung” của Chính quyền Palestine (Palestinian Authority-PA) đã nhấn mạnh vị thế suy yếu và sự lãnh đạo xơ cứng của Nhà nước Palestine, khi Hamas, đối thủ lâu năm của họ, đã táo bạo thực hiện vụ tấn công khủng bố nguy hiểm nhất trong lịch sử Israel và đe dọa kéo khu vực vào một cuộc xung đột kéo dài.

Được phương Tây hậu thuẫn nhưng Tổng thống Palestine lại không được ưa chuộng rộng rãi trên khắp các vùng lãnh thổ của người Palestine, nơi người dân đang sôi sục chứng kiến Israel bắn phá Gaza từng ngày và sau một năm xảy ra các cuộc tấn công chết người trên khắp Bờ Tây.

Chính phủ chuyên quyền của Abbas được nhiều người Palestine xem “chỉ là cánh tay nối dài sự chiếm đóng của Israel”. Khi Gaza chuẩn bị đương đầu với cuộc xâm lược trên bộ của quân đội Israel vào Dải Gaza những ngày sắp tới, và khi đồng minh Hezbollah của Hamas ở Lebanon và chính phủ Syria cũng nã rocket qua biên giới Israel, thì sự im lặng có tính toán của giới lãnh đạo PA đang được đánh giá là điều khó hiểu.

Rula Shadeed, đồng giám đốc Viện Ngoại giao Công chúng Palestine (Palestine Institute for Public Diplomacy) có trụ sở tại Ramallah, nhận định: “Sự im lặng của Chính quyền Palestine phản ánh một điểm yếu rất rõ ràng. Giống như tay họ bị trói! Cách họ xử lý cuộc đấu tranh giải phóng cho đến nay chưa mang lại kết quả nào cả. Tương lai rất nguy hiểm và không ai biết nó sẽ diễn ra như thế nào”. Hussein el-Sheikh, một người thân tín của Abbas và là tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) viết trên X: “Các quan chức Palestine đòi hỏi được cung cấp thực phẩm và vật tư y tế khẩn cấp cho người dân của chúng tôi ở Dải Gaza, nhưng Israel từ chối”.

______________

Mahmoud Abbas sẽ gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken vào ngày 13 Tháng Mười 2023 nhân chuyến công du ngoại giao của ngoại trưởng Mỹ tại Amman, thủ đô Jordan (sau khi Blinken gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó tại Tel Aviv)

______________

Ở tuổi 87, Abbas đang ở năm thứ 18 trong nhiệm kỳ bốn năm với tư cách người đứng đầu PA, được thành lập như một chính phủ lâm thời theo hiệp định Oslo (Na Uy) năm 1993. Các thỏa thuận đã trao cho PA một phần chủ quyền tại Bờ Tây và Dải Gaza, cùng với Đông Jerusalem, cũng nằm trong Nhà nước Palestine trong tương lai. Tuy nhiên, theo thời gian các bản đồ Oslo chỉ còn là mớ giấy lộn và không còn phản ánh thực tế. Mỗi năm trôi qua, hy vọng về một giải pháp hai nhà nước ngày càng xa vời, khi các khu định cư và quyền kiểm soát quân sự của Israel đối với các vùng lãnh thổ họ chiếm đóng tiếp tục được mở rộng và củng cố.

Hamas, luôn chủ trương hủy diệt Israel, đã bác bỏ tiến trình hòa bình ngay từ đầu. Năm 2007, sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Dải Gaza, Hamas đã lật đổ PA khỏi dải đất ven biển nhỏ bé này một cách thô bạo. Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên bộ, trên biển và tiến hành bốn cuộc chiến tranh ở Dải Gaza trong những năm qua.

Trong cuộc chiến hiện nay, khi số dân thường thiệt mạng tăng cao và cảnh tượng tàn phá khủng khiếp ở Gaza, sự phẫn nộ đã nổ ra trên khắp Bờ Tây, và Israel phải đóng cửa các con đường và tăng cường các trạm kiểm soát đối với người Palestine. Theo Bộ Y tế Palestine ở Ramallah, Israel đã giết chết 23 người Palestine ở Bờ Tây trong cuộc trấn áp mới. Liên Hợp Quốc cho biết có ít nhất 179 người Palestine thiệt mạng trên toàn lãnh thổ kể từ Tháng Một, khiến năm 2023 trở thành năm dễ chết nhất đối với người Palestine ở Bờ Tây trong hai thập niên qua.

Ngoài ra, còn có sự gia tăng các cuộc tấn công bạo lực của những người định cư Israel với sự hỗ trợ của các thành viên cực hữu trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Lực lượng an ninh của cả Israel và PA đã phải chật vật ngăn chặn sự trỗi dậy của các nhóm chiến binh mới trong các trại tị nạn Palestine. Một số có quan hệ với các nhóm vũ trang lâu đời hơn, gồm cả Hamas, nhưng hầu hết được tổ chức lỏng lẻo nên rất yếu. Phần lớn các chiến binh còn trẻ và nghèo đã vỡ mộng với ban lãnh đạo ở Ramallah.

Thế kẹt của Mahmoud Abbas

Giờ đây, Abbas thấy mình bị mắc kẹt ở giữa ngã ba đường, như đã nhiều lần bị như thế trong phần lớn sự nghiệp chính trị của ông. Ông bị Israel và Hoa Kỳ chỉ trích vì không lên án bạo lực của dân quân Palestine, vừa bị người Palestine chỉ trích vì mối quan hệ chặt chẽ với Washington và sự hợp tác an ninh của PA với Israel.

Ghassan Khatib, cựu Bộ trưởng Kế hoạch Palestine cảnh báo: “Các sự kiện ở Gaza đang làm tăng sức mạnh chính trị của Hamas và làm giảm sức mạnh chính trị cũng như ảnh hưởng của PA. Bởi vì, bây giờ là lúc để chiến đấu chống những kẻ chiếm đóng, và các phe phái Palestine nên tham gia vào cuộc chiến”.

Husam Zomlot, đại sứ Palestine tại Anh bác bỏ nhận định này. Ông nói: “Chính chúng tôi mới là đại diện cho người dân Palestine. Các thể chế quốc gia của Palestine, gồm cả chính quyền, không bao giờ trở nên vô nghĩa. PA là những đại diện cấp quốc gia, khu vực và quốc tế duy nhất của người Palestine”, dẫn lại từ The Washington Post.

Về chiến lược của Abbas đối với Gaza, Zomlot cho biết: “Hiện nay có hai hướng. Thứ nhất là huy động các nguồn lực nhân đạo cho Dải Gaza. Thứ hai là thúc đẩy chấm dứt chiến tranh bằng ngoại giao. Là một nhóm chiến binh, Hamas không phải là một phần của thể chế quốc gia Palestine. Họ có những tính toán riêng”. Zomlot lớn lên tại trại tị nạn Rafah ở Gaza. Lần gần nhất ông trở lại đây là hai tuần trước để dự đám tang người chú. Ngày Thứ Hai 9 Tháng Mười 2023, một cuộc không kích của Israel đã giết chết cô em họ ông, chồng của bà, hai đứa con, mẹ chồng và hai thành viên khác trong gia đình tại nhà của họ ở phía Bắc Gaza.

Rula Shadeed nhận định: “Hiệp định hòa bình Oslo không những thất bại mà còn là công cụ để duy trì hiện trạng của Bờ Tây, gia tăng các khu định cư Do Thái và sáp nhập vào Israel trên thực tế”.

________________

Mahmoud Abbas (Abu Mazen) – người được chọn làm thay thế Yasser Arafat ở vị trí chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) khi Arafat còn sống – là gương mặt không lạ. Ông từng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán Oslo và sau đó tháp tùng Yasser Arafat đến Tòa Bạch Ốc trong lễ ký Hiệp ước Oslo 1993.

Mahmoud Abbas trước đó là Tổng thư ký Ủy ban điều hành PLO, một trong những người sáng lập Phong trào giải phóng quốc gia Palestine (Fatah) và từ năm 1968 là thành viên Hội đồng quốc gia Palestine (PNC). Với tư cách Tổng thư ký Ủy ban điều hành PLO, Abbas là người ký Bản tuyên bố các nguyên tắc 1993 và hai năm sau ký Thỏa ước hòa bình tạm thời với Israel.

Sinh ngày 26 Tháng Ba 1935 tại làng Safad (Bắc Palestine), Abbas đến Syria lưu vong khi Nhà nước Do Thái Israel được thành lập. Ông lấy bằng tiến sĩ Ðại học Phương Ðông tại Moscow và bằng cử nhân luật Ðại học Damascus (Syria). Tháng Chín 1995, Abbas trở về Palestine sau 48 năm lưu vong và từ đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán hòa bình với Chính phủ Israel qua trung gian Mỹ. Tháng Ba 2003, ông được chỉ định làm thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Palestine.

Washington ủng hộ Mahmoud Abbas. Có nhiều chi tiết hậu trường cho thấy Abbas – dù cùng sát cánh Arafat – lại người đối lập Arafat ở nhiều vấn đề (không phải tự nhiên mà Dan Ephron của tờ Newsweek gọi Abbas là “un-Arafat” – “phi Arafat”). Thử xem lại vài chi tiết lịch sử. Khi Arafat đòi mang súng vào Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc (trong bài diễn văn đầu tiên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc năm 1974); Abbas lẳng lặng đến nói chuyện với nhóm người Israel cánh tả. Khi Arafat ủng hộ Saddam Hussein trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991, Abbas phải sang Saudi Arabia nhằm đấu dịu. Trong thời gian ngồi ghế thủ tướng, Abbas nhiều lần mâu thuẫn với Arafat và từng dọa từ chức nếu Arafat không nhượng bộ.

Israel cũng muốn đối mặt Abbas trên bàn đàm phán hơn là Yasser Arafat và họ từng hài lòng khi Abbas bổ nhiệm Muhammad Dahlan làm Bộ trưởng an ninh (Dahlan là người nổi tiếng mạnh tay với thành phần Hồi giáo cực đoan, từng thực hiện cuộc trấn áp Hamas tại Gaza sau loạt vụ đánh bom khốc liệt nhằm vào Israel). Ngày 4 Tháng Sáu 2003, Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Ariel Sharon gặp Tổng thống George W. Bush tại Hội nghị thượng đỉnh Hồng Hải. Ngày 4 Tháng Chín 2003, Abbas bị các nhóm quá khích dọa ám sát.

(Tư liệu riêng của Mạnh Kim)

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.