Saturday, April 27, 2024
Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Nghị viên gốc Việt ở Georgia bị khiển trách sau khi đề nghị in tiếng Việt trên phiếu bầu

Nghị viên gốc Việt ở Georgia bị khiển trách sau khi đề nghị in tiếng Việt trên phiếu bầu

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

MORROW, Georgia (NV) – Nghị Viên Vân Trần của thành phố Morrow, Georgia, người vận động có nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt, trong lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử tới, vừa bị các đồng viện bỏ phiếu khiển trách chỉ một tuần sau khi HĐTP đồng ý để cử tri bỏ phiếu quyết định đề nghị của cô, theo nhật báo Atlanta Journal-Constitution (AJC) hôm 18 Tháng Tám.

Trong cuộc họp đặc biệt vào Thứ Ba, 15 Tháng Tám, HĐTP bỏ phiếu 4-1 khiển trách Nghị Viên Vân Trần, người bị tố cáo có “thái độ không thể chấp nhận được và có các hành động không đúng mức đối với nhân viên thành phố,” theo một tài liệu được trích trong báo cáo của thành phố.

Nghị Viên Vân Trần. (Hình: Vân Trần cung cấp)

Điều đáng nói là HĐTP Morrow có năm người, trong đó có hai nghị viên gốc Việt, và một trong hai người đó là ông Khoa Vương.

“Thành phố nhận được nhiều phàn nàn và than phiền liên quan đến Nghị Viên Vân Trần liên quan đến thái độ không thể chấp nhận được và có các hành động không đúng mực đối với nhân viên thành phố, vi phạm luật và chính sách thành phố,” theo văn bản khiển trách của thành phố.

Văn bản không nói rõ “thái độ không thể chấp nhận được” là gì, và Nghị Viên Vân Trần cho rằng cô bị trả thù vì đưa ra đề nghị có nhiều ngôn ngữ trên phiếu bầu.

Morrow có khoảng 6,500 cư dân, trong đó có 41% gốc Châu Phi, 33% gốc Châu Á, và 22% gốc Latino, theo AJC dẫn thống kê dân số 2022 của Hoa Kỳ.

Trong một email gởi cho AJC, nữ nghị viên gốc Việt nói rằng những tố cáo này là không đúng.

“Nghị quyết khiển trách là một sự trả thù đối với tôi vì tôi chỉ làm công việc phục vụ cư dân thành phố,” Nghị Viên Vân Trần viết. “Không có thảo luận nào được đưa ra, các đồng viện của tôi mâu thuẫn quyền lợi khi đưa ra quyết định đó.”

Sau vụ khiển trách này, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT) đưa ra tuyên bố ủng hộ Nghị Viên Vân Trần.

Trong một thông cáo báo chí gởi cho nhật báo Người Việt hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tám, tổ chức này lên tiếng: “Chúng tôi đồng thanh lên tiếng sát cánh ủng hộ Nghị Viên Vân Trần và nỗ lực phổ biến phiếu bầu cử đa ngôn ngữ cho thành phố Morrow của cô. Quyền thi hành bầu cử là quyền bất khả xâm phạm của mọi công dân Hoa Kỳ. Cam kết thực thi quyền công dân khắp Hoa Kỳ – kể cả việc phổ biến mọi thông tin cần thiết bằng ngôn ngữ do cử tri chọn lựa – là một hành động yêu nước.”

PIVOT là một tổ chức bất vụ lợi của người Mỹ gốc Việt cấp tiến khắp Hoa Kỳ, tranh đấu cho một xã hội Hoa Kỳ chân chính và đa dạng.

“Chúng tôi cương quyết đấu tranh bảo vệ quyền bầu cử của công dân, gồm quyền chọn lựa mọi tầng lớp lãnh đạo và nhân viên chính quyền, kể cả quyền bỏ phiếu quyết định các sáng kiến được đưa ra trưng cầu dân ý. Đa số người Mỹ gốc Việt đều chật vật mưu sinh để bảo bọc bản thân và gia đình, nên có ít thời giờ để bổ sung vốn Anh Ngữ. Ngay cả những người đã có cơ hội trau dồi ngoại ngữ để hòa nhập vào xã hội mới cũng vẫn phải điêu đứng với một ngôn ngữ phức tạp, nhất là khi phải đối đầu với những hồ sơ liên quan đến địa phận hành chánh và chính trị,” PIVOT cho biết thêm. “Chúng tôi ủng hộ quyền bầu cử bất khả xâm phạm và nền dân chủ Hoa Kỳ, vì thế chúng tôi ủng hộ Nghị Viên Vân Trần.”

Nghị Viên Dorothy Dean, được coi như là đối thủ chỉ trích đề nghị in nhiều ngôn ngữ trên phiếu bầu của Nghị Viên Vân Trần mạnh mẽ nhất, đưa ra đề nghị để cử tri quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7 Tháng Mười Một, thay vì để HĐTP quyết định, một tuần trước khi vụ khiển trách xảy ra.

Nghị Viên Vân Trần (thứ sáu từ trái) và các ủng hộ viên sau cuộc họp HĐTP Morrow hồi Tháng Bảy. (Hình: Vân Trần cung cấp)Hồi tháng trước, phát biểu của bà Dean đối với cô Vân bị coi là kỳ thị chủng tộc và bị nhiều tổ chức và cộng đồng khắp Hoa Kỳ phản đối, khi nghị viên gốc Việt đề nghị HĐTP thảo luận và bỏ phiếu quyết định có in nhiều ngôn ngữ trên phiếu bầu hay không.

“Cô thất bại trong việc thực hiện vai trò dân cử,” bà Dean nói với cô Vân lúc đó. “Cô thất bại trong vai trò công dân quốc gia này. Cô không coi trọng và không trân trọng lời thề khi cô tuyên thệ công dân. Tôi xin nói cho cô biết điều này không xứng đáng là người Mỹ và không thể biện minh được. Thật là xấu hổ cho cô, Nghị Viên Vân Trần.”

Bà Dean đặc biệt chỉ trích Nghị Viên Vân vì đã phát flyer bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt trong ngày Lễ Độc Lập, 4 Tháng Bảy, được thành phố tổ chức nhằm khuyến khích sự ủng hộ đối với các lá phiếu đa ngôn ngữ.

Bà Dean lập luận rằng bà Vân, với tư cách là một người Mỹ nhập cư, lẽ ra phải thuyết phục các cử tri học tiếng Anh thay vì cung cấp lá phiếu bằng các ngôn ngữ khác.

Bà Vân tuyên bố những lời lẽ của bà Dean gây tổn thương, không chỉ cho mình mà còn cho các cộng đồng mà bà đại diện.

Phản bác nhận định mang tính “kỳ thị sắc dân” của bà Dean, 28 nhà lập pháp tiểu bang Georgia đã ký một lá thư phản đối những tuyên bố đó và xác nhận sự ủng hộ cử tri đa dạng trong tiểu bang. Các nhà lập pháp nhấn mạnh rằng chỉ riêng việc đặt câu hỏi liệu các công dân nhập cư có xứng đáng tham gia vào quá trình bầu cử hay không vốn đã là “thực sự không mang tính cách Mỹ.”

Ông Oscar Lanza Menjivar, một cư dân Morrow, cho biết ông ủng hộ sáng kiến của bà Vân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận ngôn ngữ bình đẳng trên các lá phiếu để mọi người có thể hiểu đầy đủ những gì họ đang bỏ phiếu.

Các nhóm vận động chính sách như Quỹ Giáo Dục Và Bảo Vệ Pháp Lý Người Mỹ Gốc Á cũng lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Vân, nhấn mạnh rằng những bình luận của bà Dean thể hiện sự coi thường các điều khoản hỗ trợ ngôn ngữ của Đạo Luật Quyền Bầu Cử Và Quyền Của Cử Tri nói ngôn ngữ thiểu số của thành phố Morrow. (Đ.D.)

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More