Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen ngày 11/11 sẽ gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng việc chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một “mệnh lệnh đạo đức”, và rằng những thách thức kinh tế từ cuộc xung đột và căng thẳng nguồn cung đang kéo Ấn Độ và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn.
Trích đoạn bài phát biểu mà bà Yellen chuẩn bị đọc tại cơ sở nghiên cứu Microsoft Ấn Độ gần New Delhi cho thấy bà ca ngợi giọng điệu sắc bén hơn gần đây của Thủ tướng Narendra Modi về cuộc xung đột Ukraine sau khi ông tránh lên án cuộc xâm lược của Nga trong hầu hết năm.
“Thủ tướng Modi đã đúng khi nói rằng đây ‘không phải là thời đại chiến tranh’”, bà Yellen nói trong các trích đoạn do Bộ Tài chính công bố.
“Tôi tin rằng chấm dứt chiến tranh của Nga là một mệnh lệnh đạo đức. Đó cũng là điều tốt nhất mà chúng tôi có thể làm để giúp đỡ nền kinh tế toàn cầu. Đây là quan điểm được chia sẻ rộng rãi giữa các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới”, bà Yellen nói.
Các quan chức ở Ấn Độ, một quốc gia có quan hệ lâu năm với Nga, cho biết họ sẽ tiếp tục mua dầu của Nga với giá hạ, vì điều này có lợi cho nền kinh tế của Ấn Độ, bất chấp nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây nhằm áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Các quan chức Bộ Ngân khố cho biết họ không tìm cách thuyết phục Ấn Độ ngừng mua dầu của Nga mà muốn tăng cường quan hệ của Mỹ với Ấn Độ thông qua hội nhập thương mại và tài chính.
Phần lớn trọng tâm là biến Ấn Độ đang phát triển nhanh trở thành đối trọng với Trung Quốc ở châu Á và là nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáng tin cậy cho nền kinh tế Mỹ.
“Hoa Kỳ và Ấn Độ chia sẻ lợi ích trong việc tăng cường chuỗi cung ứng của chúng tôi trong một thế giới nơi một số chính phủ sử dụng thương mại như một vũ khí địa chính trị”, bà Yellen nói trong bài phát biểu của mình, lấy ví dụ như những hạn chế của Nga đối với việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Nhà cung cấp đáng tin cậy
Bà Yellen nói Ấn Độ là một ứng cử viên tự nhiên cho chiến lược sản xuất ở các nước bằng hữu, hay sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ tách khỏi Trung Quốc và một số quốc gia khác, nơi họ trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và những sự gián đoạn khác, tới “những quốc gia mà chúng ta có thể tin tưởng.”
Chiến lược sản xuất ở các nước bằng hữu của Hoa Kỳ liên quan đến việc hợp tác với các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ vốn đang tìm cách phát triển các ngành công nghiệp địa phương và kết nối chúng với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Yellen viện dẫn khoản vay 500 triệu đô la từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho First Solar có trụ sở tại Hoa Kỳ để bắt đầu sản xuất các tấm pin mặt trời ở khu vực Tamil Nadu, điều này sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất của Ấn Độ.
Bà nói: “Đồng thời, nó sẽ giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, quốc gia hiện đang thống trị hơn 80% sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh doanh và thương mại của chúng tôi với Ấn Độ trong lúc chúng tôi theo đuổi nghị trình sản xuất ở các nước bằng hữu”, bà Yellen nói.
(VOA)