Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm chạp trong quý 1 năm nay, cho thấy dấu hiệu nước này khó đạt chỉ tiêu phát triển đề ra từ đầu năm.
Tổng Cục Thống Kê trực thuộc Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư CSVN ngày cuối tuần 29 Tháng Tư công bố bản báo cáo hàng tháng cho hay, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý đầu năm 2023 chỉ được 3.32% trong khi chỉ tiêu tăng trưởng chung cho cả năm đề ra là 6.5%.
Với khả năng tăng trưởng mở đầu thấp như thế, chính quyền Việt Nam vội vàng mở cuộc họp đốc thúc “quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.” Bản tin trên trang web chinhphu.vn của chính phủ hôm Chủ Nhật, 30 Tháng Tư, nhìn nhận “bối cảnh kinh tế khó khăn” trong ba tháng đầu năm 2023.
Trong cuộc họp này, Thủ Tướng Phạm Minh Chính kêu gọi “hạ lãi suất và hỗ trợ sản xuất” giúp các doanh nghiệp “vượt khó.” Những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm nay, rất nhiều ngành sản xuất nội địa từ may mặc, da giày đến đồ gỗ bị cắt giảm đơn đặt hàng. Hàng chục ngàn công nhân hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc cắt giảm giờ làm.
Thống kê thấy giá trị xuất cảng các loại sản phẩm gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27% đặc biệt tại các thị trường lớn truyền thống xưa nay như Mỹ, Liên Âu. Nói chung, các thị trường xuất cảng nông lâm thủy sản đều “bị co hẹp.” Lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53.8% tổng kim ngạch xuất cảng của nông nghiệp Việt Nam.
Cách đây 10 ngày, Liên Đoàn Thương Mại và Công Kỹ Nghệ Việt Nam (VCCI) công bố một bản nghiên cứu nói rằng khó khăn nhất của phần lớn giới doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam là khả năng tiếp cận vốn, tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp tư nhân bị kỳ thị trên thị trường tín dụng mấy chục năm qua, kêu ca mãi nhưng vẫn không thấy thay đổi trong khi ông thủ tướng thì lập lại lời hô hò “quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” nhằm cứu nền kinh tế đang đi thụt lùi.
Kinh doanh khó khăn, chỉ có hơn 42% doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và có lãi trong năm 2022, theo VCCI. Năm 2019, chỉ có hơn 35% các doanh nghiệp này báo lỗ. Bản báo cáo kể trên của VCCI dẫn các con số thống kê để chứng minh khả năng tiếp cận vốn của giới doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam càng ngày càng bị bó chặt.
“Tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây,” theo VCCI. “Điển hình năm 2017, tỉ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49.4%, đến các năm 2018 và 2019 là 45% và 43%, năm 2020 là 42.9%, đến năm 2021 chỉ còn 35.4%, nhưng sang năm 2022 tỉ lệ này chỉ còn là 17.8%.”
Đủ mọi thứ khó khăn cho giới doanh nghiệp muốn tiếp cận tín dụng tại Việt Nam như phải có tài sản thế chấp, các điều kiện cấp tín dụng khó khăn và phiền hà bên cạnh chuyện phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng, thời gian cứu xét cấp tín dụng kéo dài, theo bản nghiên cứu của VCCI, một cơ quan của nhà cầm quyền CSVN.
Cả chục năm trước, Ngân Hàng Thế Giới (WB) từng khuyến cáo doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Tháng Năm, 2022, WB chỉ trích rằng rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi thị trường tài chính tại Việt Nam. Định chế tài trợ này chỉ phê phán bóng gió hay khuyến cáo nhẹ nhàng, không muốn làm mất mặt một chính phủ nào. (TN) [đ.d.]
(Nguoi-viet)