Các công ty bị ảnh hưởng bởi quyết định của Trung Quốc hạn chế xuất khẩu một số kim loại được sử dụng rộng rãi trong chất bán dẫn và xe điện đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung hôm thứ Ba 4/7, trong lúc các nhà cung cấp trong ngành lo ngại rằng việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm có thể sắp xảy ra.
Thông báo đột ngột hôm thứ Hai về các biện pháp kiểm soát có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 đối với việc xuất khẩu một số sản phẩm gali và germani làm gia tăng cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và có khả năng gây ra nhiều gián đoạn hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà phân tích coi động thái này, mà Bộ thương mại Trung Quốc cho là để bảo vệ an ninh quốc gia, như là một phản ứng trước những nỗ lực leo thang của Washington nhằm hạn chế những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Nó diễn ra vào đêm trước ngày Lễ Độc lập của Hoa Kỳ và ngay trước chuyến thăm dự kiến tới Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.
Peter Arkell, Chủ tịch Hiệp hội khai thác toàn cầu của Trung Quốc, nhận định: “Trung Quốc tấn công vào đúng điểm yếu thương mại của Mỹ.”
Ủy ban châu Âu bày tỏ quan ngại về động thái này.
Tám sản phẩm gali và sáu sản phẩm gecmani trong danh mục bị hạn chế xuất khẩu cũng được sử dụng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao khác.
Nhiều người trong ngành công nghiệp kim loại cho biết họ lo sợ sắp tới Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm như cách họ đã làm cách đây 12 năm trong tranh chấp với Nhật Bản. Đất hiếm là một nhóm kim loại được sử dụng trong xe điện và thiết bị quân sự và Trung Quốc cho đến nay là nhà sản xuất đất hiệm lớn nhất thế giới.
“Gali và germani chỉ là hai trong số các kim loại phụ rất quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm công nghệ và Trung Quốc là nhà sản xuất chủ yếu của hầu hết các kim loại này. Thật là ảo tưởng khi cho rằng một quốc gia nào khác có thể thay thế Trung Quốc trong thời gian ngắn hoặc thậm chí là trung hạn,” ông Arkell nói.
Trung Quốc sản xuất hầu hết gali và germani trên thế giới.
Vào năm 2022, các nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm gali của Trung Quốc là Nhật Bản, Đức và Hà Lan, trang tin Caixin trích dẫn dữ liệu hải quan cho biết. Các nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm germani là Nhật Bản, Pháp, Đức và Hoa Kỳ.
Các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc được đưa ra khi Washington cân nhắc những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu vi mạch công nghệ cao sang Trung Quốc, tiếp theo sau một loạt hạn chế khác trong những năm gần đây.
Hoa Kỳ và Hà Lan dự kiến cũng sẽ hạn chế hơn nữa việc bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc vào mùa hè này, một phần trong nỗ lực ngăn chặn quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ của họ.
Lần gần đây nhất Bắc Kinh trả đũa trước áp lực của Hoa Kỳ đối với chip là vào tháng 5, khi họ cấm một số ngành trong nước mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ Micron của Hoa Kỳ.
(VOA)