Khoản đóng góp $1.6 tỷ cho một tổ chức vận động chính trị của Đảng Cộng hoà (GOP) đã phô bày sự bất cập của hệ thống tài chính vận động chính trị. Một người đàn ông đã đóng góp $1.6 tỷ cho một tổ chức phi lợi nhuận do một nhà hoạt động bảo thủ kiểm soát và người này đang thực hiện một cuộc “chinh phục” với thành công đáng kinh ngạc nhằm thay đổi hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.
Lý do duy nhất giúp công chúng biết về câu chuyện là nhờ một người trong cuộc giấu tên cung cấp thông tin cho tờ The New York Times. Cuối tuần qua, tờ The New York Times tiết lộ: “Năm ngoái, ông trùm điện tử Barre Seid đã trao 100% cổ phần của Tripp Lite, nhà sản xuất thiết bị trung tâm dữ liệu và bảo vệ, cho tổ chức phi lợi nhuận Marble Freedom Trust được đứng đầu bởi Leonard Leo (người đã giúp tài trợ cho cuộc vận động của cánh hữu về quyền phá thai, bỏ phiếu và biến đổi khí hậu, cùng những thứ khác).
Trọng tâm chính cuộc vận động chính trị gần đây của Leo là định hình lại bộ máy tư pháp, với tư cách là phó chủ tịch điều hành của Hội Liên bang (Federalist Society) từng tư vấn cho các tổng thống GOP về việc đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao. Và ông ta đã thành công. Câu chuyện về cách tổ chức của Leo có được một “món quà trong mơ” như thế đã cho thấy một thực tế đáng buồn của hệ thống tài chính vận động tranh cử của nước Mỹ. Khoản quyên góp mà Marble Freedom Trust nhận được (có thể là lớn nhất từ trước đến nay cho một tổ chức vận động chính trị trong lịch sử Hoa Kỳ) được dùng để giải quyết một mục tiêu duy nhất: làm thay đổi hiện trạng (status quo) hệ thống tư pháp Mỹ.
Vấn đề không chỉ là sự méo mó của một quyết định “tưởng là dân chủ” được kích hoạt bởi Ủy ban Citizens United v. Federal Election Commission vào năm 2010 (trong đó cho phép các tập đoàn, các tổ chức bên ngoài chi tiêu chính trị không giới hạn, bật đèn xanh cho những người siêu giàu sử dụng nguồn tài chính không giới hạn của mình vào việc này) mà còn cho thấy sự méo mó trong hầu hết trường hợp “khai thác lỗ hổng” là “vô hình, không buộc tội được”, vì các tổ chức phi lợi nhuận như Marble Freedom Trust đều đăng ký điều khoản 501(c) (4) nên không phải tiết lộ các nhà tài trợ của họ.
Chưa hết, các nhà tài trợ còn sử dụng các tổ chức phi lợi nhuận này để lách thuế hợp pháp. Trong trường hợp này, số tiền bị lách lên đến $400 triệu. Trên nguyên tắc, để tự mình bán công ty của mình, Seid sẽ phải nộp một khoản thuế lớn, khiến ông không còn nhiều tiền giao cho Marble Freedom Trust. Còn nếu công ty ông làm sao để được xếp vào danh sách “các tổ chức phúc lợi xã hội” theo điều 501 (c) (4), ông sẽ được miễn nộp thuế.
Hiểu được điều này, Seid đã khôn ngoan giao cổ phần của mình cho một quỹ tín thác (trust), sau đó công ty này đứng ra bán Tripp Lite với giá $1.6 tỷ. Nhờ vậy, số tiền đưa vào két sắt của Leo mới cao như thế. Hệ quả của màn lách luật này là gì? Đó là, những người đóng thuế khác phải chung vai gánh các khoản phân phát xa hoa của một số ít kẻ đặc quyền biết sử dụng sự ranh ma để trốn tránh nghĩa vụ thuế và dùng số tiền “phù phép” được giúp người khác xoay chuyển cục diện chính trị Hoa Kỳ.
Một đề nghị là Quốc hội nên đóng lỗ hổng thuế đang bị các nhà tài trợ cho hệ thống tài chính vận động chính trị khai thác. Đạo luật Tiết lộ (Disclose Act) – mà một số phiên bản trước đó đã bị Quốc hội bác bỏ trong hơn một thập niên qua nhờ thủ thuật filibusters (tẩy chay để không đủ số ghế cần thiết cho một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện) vốn được GOP kiên trì thực hiện – nếu được thông qua ít nhất cũng cung cấp cho cử tri biết ai là người đang cố gắng mua phiếu bầu của họ. Theo The Washington Post, Sở Thuế Quốc gia (Internal Revenue Service-IRS) có thể tự cải thiện những bất cập của hệ thống bằng cách phục hồi qui định thu thập thông tin của các nhà tài trợ đã bị ngừng từ năm 2018. Thật không may, nếu không có thay đổi về “án lệ” của Tòa án Tối cao hoặc sửa đổi Hiến pháp, thì tình hình chỉ cải thiện rất ít.
(SGN)