SACRAMENTO, California (NV) – Chỉ Số Giá Tiêu Dùng (CPI: Consumer Price Index) cho thấy dịch vụ là nguyên nhân chính gây ra lạm phát kéo dài, nhưng giá thực phẩm và hàng hóa khác ở California cũng vẫn ở mức cao, theo báo mạng CalMatters.
Lạm phát trong thời đại dịch COVID-19 đã giảm từ hai năm trước, nhưng chi phí của nhiều hàng hóa và dịch vụ vẫn tiếp tục tăng và vẫn cao hơn so với trước khi COVID-19 xảy ra, theo một số chỉ số kinh tế.
Văn Phòng Phân Tích Lập Pháp California dựa trên dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng gần đây nhất cho thấy giá cả đã tăng khoảng 20% kể từ năm 2020. Nhưng theo dữ liệu của Cơ Quan Thống Kê Lao Động, trong vài tháng qua, giá cả ở California có vẻ chỉ tăng nhẹ so với toàn quốc.
Các chuyên gia cho biết giá cả vẫn tiếp tục tăng là lý do tại sao cư dân California lại gặp khó khăn trong một nền kinh tế ổn vì cả nước đã tránh được cuộc suy thoái kinh tế.
“Mặc dù lạm phát chậm lại hoặc giá cả không tăng nhanh là tin tốt nhưng chi tiêu vẫn chưa giảm,” bà Sarah Bohn, kinh tế gia và giám đốc Viện Chính Sách Công của Trung Tâm Chính Sách Kinh Tế California, nói. “Tổng hóa đơn tiền chợ, nhìn chung, vẫn cao hơn nhiều so với vài năm trước.”
Hơn nữa, bà Bohn nói tiền lương tại California lại không theo kịp lạm phát: “Tiền lương chỉ tăng 15% so với trước đại dịch. Trên giấy tờ, điều này thấy rất hay, như mức tăng $5/giờ. Nhưng sau lạm phát, tôi có cảm giác giống như bị giảm lương, bị giảm $1.25/giờ.”
Đó là một mối quan tâm lớn, nhất là đối với các gia đình có thu nhập từ trung bình đến thấp, những người “kém linh hoạt hơn rất nhiều trong việc chi tiêu,” bà Bohn nói.
Trên toàn quốc, dịch vụ là nguyên nhân chính khiến lạm phát chưa ngừng, dữ liệu của Cơ Quan Thống Kê Lao Động cho thấy.
Giá các mặt hàng như xe mới, thịt, gia cầm, trứng và cá không thay đổi từ Tháng Mười Hai đến Tháng Giêng, trong khi giá thực phẩm nhìn chung tăng gần 0.4%, thấp hơn một chút so với hai tháng trước. Chi phí tiêu dùng cho các dịch vụ như điện, tiền thuê nhà, chăm sóc y tế, vé máy bay, bảo hiểm y tế và xe hơi đều tăng.
Nhưng ở California, giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn cao.
Các ngân hàng thực phẩm cho biết chi phí mua thực phẩm không giảm – và nhu cầu về dịch vụ của họ vẫn cao khi viện trợ đại dịch đã hết và lạm phát vẫn tiếp tục.
Trong lúc Ngân Hàng Thực Phẩm San Francisco-Marin chưa thấy giá thịt tăng “đáng kể” và giá sản phẩm đã ổn định, nhưng vẫn thấy giá cao đối với một số thực phẩm, phát ngôn viên Keely Hopkins nói. Theo bà, mức giá trung bình mà ngân hàng thực phẩm mua trứng tăng $2.27/tá trong tám tháng qua.
Giá thực phẩm cao cũng là một vấn đề đối với Ngân Hàng Thực Phẩm Khu Vực Los Angeles, nơi mua 10% hàng tồn kho để bổ sung cho thực phẩm quyên góp. Ngân hàng thực phẩm này hiện phục vụ trung bình 900,000 người mỗi tháng, gấp hai lần rưỡi so với mức trung bình hàng tháng trước COVID-19.
“(Đó là) tác động của việc kết thúc các chương trình cứu trợ COVID như tăng cường phúc lợi SNAP/CalFresh và tác động tiếp tục của lạm phát,” ông David May, phát ngôn viên của ngân hàng thực phẩm này, nói.
Về mặt dịch vụ, một số cư dân California đang gặp khó khăn để mua bảo hiểm xe hơi, tăng 17.7% từ 2023 đến 2024, theo Bankrate.com.
Giá điện cũng tăng do các cơ quan quản lý chấp thuận việc tăng giá của các công ty tiện ích lớn như PG&E.
Về tiền thuê nhà, “chỗ ở là động lực chính dẫn đến lạm phát dịch vụ trong các con số lạm phát,” ông Jerry Nickelsburg, kinh tế gia cấp cao của UCLA Anderson Forecast, cho biết. “Chúng tôi thấy giá thuê đang chậm lại, nhưng giá thuê trung bình sẽ tăng lên so với giá thuê ngày nay.”
Giá thuê nhà ở California cao hơn 38% so với mức trung vị toàn quốc, theo công ty niêm yết bất động sản Zillow. Dữ liệu của Zillow cho thấy trong Tháng Ba, giá thuê trung vị là $2,755 trong tiểu bang, tăng $5 so với tháng trước nhưng thấp hơn $195 so với Tháng Ba, 2023.
Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu cá nhân (không bao gồm chi phí thực phẩm và điện), đã tăng 0.4% trong Tháng Giêng so với tháng trước và 2.8% so với năm ngoái, theo dữ liệu Cơ Quan Phân Tích Kinh Tế của Bộ Thương Mại công bố vào tuần đầu Tháng Ba.
Ngân Hàng Trung Ương (Fed) chú trọng vào chỉ số này nhiều hơn thay vì chỉ số giá tiêu dùng vì nó phản ảnh chính xác hơn chi tiêu thực tế của người tiêu dùng.
Dù sao đi nữa, vì tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Fed là 2%, nghĩa là Fed không thể cắt giảm lãi suất sớm – do đó việc mua nhà và các mặt hàng lớn như xe hơi và các khoản vay vốn kinh doanh có thể tiếp tục chậm lại.
Ông Nickelsburg không hy vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay. Điều này phù hợp với dự đoán của các kinh tế gia khác (như của Wells Fargo) trong một báo cáo tháng trước rằng lạm phát tiếp tục có nghĩa là “con đường quay trở lại lạm phát 2% có thể sẽ có ổ gà.” (ĐG) [qd]
(Nguoi-viet)